Nghề "đập đồ phá của" hưởng lương 10 triệu mỗi ngày tại Hollywood

Google News

Liệu có phải nghệ sĩ làm tiếng động ở Hollywood chỉ cần dùng những phần mềm xử lý, các kĩ thuật hiện đại và kho âm thanh dồi dào sẵn có?

Khoảng một thập kỉ trước, có một dòng chữ thường xuất hiện ở phần cuối giới thiệu của các bộ phim. Đó là “Tiếng động: Minh Tâm”, hoặc “Tiếng động: Minh Tâm – Minh Thu”.
Những khán giả của thời gian đó hẳn vẫn còn nhớ khi nghệ sĩ Minh Tâm vò tấm giấy bạc để tạo nên âm thanh tanh tách của lửa hay rải gạo lên giấy giả làm tiếng mưa rơi. Ông đã mở ra một thế giới kỳ diệu cho thính giác, giống một phù thủy có thể biến thứ này thành thứ kia.
Nghe "dap do pha cua" huong luong 10 trieu moi ngay tai Hollywood
Nghệ sĩ Ưu tú Minh Tâm - ông vua tiếng động của phim Việt. 
Cái tên Minh Tâm trở thành “thương hiệu” của việc làm tiếng động cho phim Việt Nam. Nghệ sĩ Minh Tâm cùng con gái là Minh Thu là người hùng thầm lặng phía sau hơn hai ngàn tập phim. Họ đã dùng những thứ bình thường nhất để tô điểm thêm cho sự sống động của phim, trong điều kiện vật chất khó khăn.
Vậy còn những nghệ sĩ làm tiếng động ở kinh đô ánh sáng Hollywood thì sao? Liệu có phải họ chỉ cần dùng những phần mềm xử lý, các kĩ thuật hiện đại và kho âm thanh dồi dào sẵn có?
Cách đi tìm "dáng hình thanh âm" ở Hollywood
Vò, xé, bẻ, giẫm, đạp… là những hành động cơm bữa của các nghệ sĩ tạo tiếng động. Thế nhưng, ẩn sau những hành động đầy tính thô bạo đó, đằng sau những dụng cụ thu âm, các phần mềm hiện đại… luôn cần một tâm hồn nghệ sĩ bay bổng đến không ngờ.
Có rất nhiều nghệ sĩ tạo tiếng động thích đến những vùng rừng núi hoang sơ, ít dấu chân con người khai phá. Heikki Kossi là một foley artist người Phần Lan, anh chia sẻ rằng:
“Âm thanh của tự nhiên là điều kỳ diệu nhất. Nhắm mắt lại, tôi có thể nghe thấy cả vũ trụ đang thầm thì với mình. Điều đó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong công việc.”
Nghe "dap do pha cua" huong luong 10 trieu moi ngay tai Hollywood-Hinh-2
Heikki Kossi - nghệ sĩ làm tiếng động người Phần Lan đang làm việc trong studio. 
Một nghệ sĩ làm tiếng động chuyên nghiệp trung bình có thể kiếm được 400-500$ mỗi ngày. Những người ít kinh nghiệm hơn thì con số giảm quá nửa, chỉ khoảng 150-200$/ ngày và thường không được ghi danh.
Tính bình quân thu nhập thì đó là một con số đáng kể. Nhưng trước khi được trả tiền, những nghệ sĩ làm tiếng động có khi phải mất nhiều năm ròng để thu thập kinh nghiệm, thậm chí làm việc không lương. Sự vất cả của công việc đặc thù này hiếm có ai tưởng tượng được hết.
Đạo diễn Daniel Jewel đã mang đến cho mọi người một cái nhìn tương đối đầy đủ qua bộ phim ngắn The Secret World of Foley – Thế giới bí mật của các nghệ sĩ làm tiếng động. Anh theo chân hai nghệ sĩ Pete Burgis và Sue Harding nhằm kể về công việc đầy tinh tế đó.
Để lồng tiếng cho một bộ phim, Pete và Sue phải xem đi xem lại đoạn phim đó, cùng những âm thanh tự nhiên của chúng. Rồi họ lên kế hoạch cho từng tiếng động để tìm ra cách dựng âm thanh ưu việt nhất. Từng thao tác đều phải rất nhanh cho kịp với tiến độ của tình tiết phim.
Giúp đỡ Pete với Sue là một nhân viên kĩ thuật. Anh này chịu trách nhiệm thu tiếng, điều chỉnh âm thanh to nhỏ cho khớp với phim.
Nghe "dap do pha cua" huong luong 10 trieu moi ngay tai Hollywood-Hinh-3
Cùng làm việc với các nghệ sĩ tiếng động luôn phải có kĩ thuật viên phía sau. 
Mỗi một cảnh phim đều rất kỳ công. Ví dụ để lồng tiếng cho cảnh người ngư dân thu cần, cho cá vào xô, hai nghệ sĩ phải dùng tới năm, sáu vật dụng. Pete kéo một chiếc cần trục tạo nên tiếng rè rè, còn Sue vặn chiếc giẻ bao bên ngoài thanh gỗ tạo ra tiếng mài tay trên cần câu.
Sau đó Sue lại dùng một chiếc giẻ đẫm nước đập qua lại hai tay mình cho khớp với hình ảnh người đàn ông đang gỡ cá khỏi lưỡi câu. Bàn tay Pete di chuyển uốn lượn trong nước, tựa như con cá đang cố quẫy mình trong chiếc xô hẹp.
Thật khó để kể hết những dụng cụ mà Pete và Sue đã sử dụng để lồng tiếng chỉ cho một phim. Lại càng khó hơn để thâu tóm thế giới rộng lớn kỳ diệu của những người làm tiếng động chỉ trong vài câu ngắn ngủi.
Điều duy nhất có thể nói về họ chính là không bao giờ thôi làm việc. Bởi kể cả khi nghỉ ngơi, mọi giác quan của họ vẫn chỉ chăm chú vào những âm thanh đến từ không gian chung quanh. Tiếng ủng giẫm lên nước, tiếng tay vỗ vào tường, tiếng rơi của lá khô trên mặt đường nhựa…
Rồi họ âm thầm ghi nhớ để tái tạo chúng một cách tự nhiên nhất, bằng phép màu đến từ đôi tay, khối óc và những vật dụng tưởng như tầm thường nhất chung quanh.
Theo Thu Hằng/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)