Vì sao Trung Quốc sốt sắng giảm căng thẳng Iran-Ả-rập Xê-út?

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc đã cử đặc phái viên tới Ả-rập Xê-út và Iran giữa lúc quan hệ giữa hai quốc gia Trung Đông này leo thang căng thẳng.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Zhang Ming đang có chuyến thăm Ả-rập Xê-út và chuẩn bị tới Iran. “Chúng tôi hy vọng tình hình tại Trung Đông sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn… Tất cả các bên cần bình tĩnh, kiềm chế, xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan thông qua đối thoại và tham vấn”, bà Oánh thể hiện quan điểm trước những diễn biến căng thẳng Iran-Ả-rập Xê-út sau vụ Riyadh hành quyết giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr hôm 2/1.
Vi sao Trung Quoc sot sang giam cang thang Iran-A-rap Xe-ut?
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Ming (bên trái) hội kiến với Thủ tưởng Kuwait, Jaber Al-Mubarak Al-Hamad Al-Sabah.
Trước đó, chính quyền Mỹ lên tiếng kêu gọi các bên duy trì can dự ngoại giao và đối thoại trực tiếp. Ngoại trưởng John Kerry đã điện đàm với cả đồng cấp Iran và Ả-rập Xê-út về các bước đi nhằm hạ nhiệt đối đầu. Moscow cũng bắn tín hiệu sẵn lòng đứng ra làm trung gian hòa giải, xử lý các bất đồng, tồn đọng giữa hai nước có quan hệ thăng trầm này. Cả Nga và Mỹ đều lo ngại, “thùng thuốc súng” mới xuất hiện tại Trung Đông sẽ làm hủy hoại những nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Syria, bóp chết triển vọng tạo dựng một liên minh quốc tế chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trung Quốc dường như cũng có lo ngại riêng về “mớ bùng nhùng” địa chính trị ở Trung Đông do căng thẳng trong quan hệ Tehran – Riyadh gây ra.  Xét dưới góc độ địa chính trị, Bắc Kinh đã nhanh nhạy choán chỗ tại Trung Đông sau khi Mỹ chần chừ, thậm chí có dấu hiệu thoái lui tại đây. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với khu vực đã tăng 600% chỉ trong một thập kỉ qua, vượt mốc 230 tỉ USD/năm. Trong khi xem Iran là “cường quốc” ở khu vực, là một đối tác giường cột tin cậy đủ sức phá thế bá quyền của phương Tây, Bắc Kinh cũng không quên mở các kênh tiếp xúc với Saudi Arabia.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn dầu lửa Trung Đông (chiếm 51,52% tổng lượng dầu nhập khẩu), với hai đối tác chủ chốt nhất là Saudi Arabia và Iran. Căng thẳng hiện nay có thể sẽ không làm giá dầu bật tăng, nhưng về mặt dài hạn, bất kì một xung đột nào ở Trung Đông đều sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Bắc Kinh còn một nỗi lo khác – đó là xung đột giáo phái tại Trung Đông giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite có thể sẽ gây ra hiệu ứng “xuất khẩu” tư tưởng cực đoan ra bên ngoài, tạo thiên đường cho các nhóm khủng bố mà ở đó Trung Quốc sẽ bị tác động xấu. Cụ thể hơn, đó là viễn cảnh gia tăng các hành động tấn công, bạo động, khủng bố của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ thiểu số tại khu vực Tân Cương.
Các nhân tố trên giúp lý giải tại sao Bắc Kinh gần đây lại chủ động có các bước đi “ngoại giao phòng ngừa” nhằm không để lò lửa Trung Đông rơi vào trạng thái bất ổn vượt tầm kiểm soát. Đó là việc Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy ký kết, thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran, bất chấp thực tế một Iran tái hội nhập quốc tế hậu cấm vận sẽ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc như thời kì trước đây. Mới nhất là động thái can dự vào Syria. Thủ lĩnh Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập Khaled Khoja hiện đang ở thăm Bắc Kinh (từ 5-8/1) và đã có cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Vương Nghị. Trong cuộc gặp, ông Vương hối thúc SNC cử đại diện tham dự các vòng đàm phán hòa bình về Syria một cách “vô điều kiện”. Trước đó, cuối tháng 12/2015, Trung Quốc cũng đã đón tiếp phái đoàn do Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem dẫn đầu tới thăm, bàn thảo về giải pháp cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.  
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)