Vì sao Triều Tiên là đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Nhà sử học Shen Zhihua, nổi tiếng vì những nghiên cứu đột phá về Chiến tranh Triều Tiên, đã hối thúc Bắc Kinh xét lại sự ủng hộ dành cho Bình Nhưỡng.

Tham luận của học giả Shen Zhihua tại một cuộc hội thảo hồi tháng trước đã làm dấy lên tranh luận rộng rãi ở Trung Quốc về thái độ đối với Triều Tiên.
Vi sao Trieu Tien la doi thu tiem tang cua Trung Quoc?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hết kiên nhẫn với nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Asia News
Dưới đây là trích lược bài tham luận nói trên :
“Cách đây rất lâu, Chủ tịch Mao đã nói rằng bạn của chúng ta là ai và ai là kẻ thù của chúng ta là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công cuộc cách mạng”.
“Ai là bạn của chúng ta, ai là kẻ thù của chúng ta? Nếu không thể phân biệt giữa bạn và thù, làm thế nào mà ta có thể chiến đấu và chiến đấu chống ai?”
“Nếu nhìn vào Triều Tiên và Hàn Quốc, ai là bạn và ai là kẻ thù của Trung Quốc? Nhìn bề ngoài, Trung Quốc và Triều Tiên là đồng minh, trong khi Mỹ và Nhật Bản hỗ trợ Hàn Quốc chống lại Triều Tiên”.
“Kết luận cơ bản của tôi là xét theo tình hình hiện nay, Triều Tiên là kẻ thù tiềm tàng và Hàn Quốc có thể là bạn của Trung Quốc. Gọi Triều Tiên là kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc có nghĩa là cho đến bây giờ, điều này vẫn chưa xảy ra”.
“Theo nghiên cứu của tôi về lịch sử quan hệ Trung-Triều, Trung Quốc và Triều Tiên thật sự là bạn và đồng minh trong quá khứ. Đó là khi mối quan hệ này là một tình bạn đặc biệt được Mao Trạch Đông, Kim Il-sung và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Triều Tiên khác dày công xây dựng”.
“Khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung-Triều đã bị phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1992, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ Trung-Triều, được thế hệ trước tạo ra, không còn tồn tại”.
“Thực tế mà nói, mọi thứ đã thay đổi trong quan hệ Trung-Triều. Trong chính sách đối ngoại, kinh tế, chính trị và mọi thứ…, lợi ích của Trung Quốc và Triều Tiên đã khác nhau và cơ sở cho một liên minh tan rã. Hiệp ước liên minh giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã trở thành một mảnh giấy vụn”.
“Vào thời điểm đó quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã trở thành một mối quan hệ thông thường, bình thường giữa các quốc gia. Nhưng mối quan hệ bình thường này lại nhanh chóng và lặng lẽ biến thành thù địch và đó là vì Triều Tiên đã khởi động chiến lược hạt nhân”.
“Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi trên Bán đảo Triều Tiên là Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và liên tục thử hạt nhân. Và đó cũng là nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng bất ổn ở ngoại vi Trung Quốc”.
“Nhưng Triều Tiên đã làm điều đó vì lợi ích cơ bản của nước này”.
“Vì vậy, nhìn nhận một cách khách quan, lợi ích cơ bản của Trung Quốc và Triều Tiên đang mâu thuẫn với nhau. Lợi ích cơ bản của Trung Quốc là sự ổn định trên biên giới và phát triển ra bên ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, vùng ngoại vi của Trung Quốc chưa bao giờ yên ổn. Vì vậy, lợi ích của Trung Quốc và Triều Tiên là mâu thuẫn với nhau”.
“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bị kích hoạt bởi sự thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được theo ngôn ngữ ngoại giao. Tuy nhiên, trên cương vị các học giả, chúng ta phải thấy rõ sự chuyển đổi sang chính sách sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã được kích hoạt bởi những thay đổi trong mối quan hệ với Trung Quốc”.
“Chúng ta phải thấy rõ rằng Trung Quốc và Triều Tiên không còn là hai anh em kề vai sát cánh và trong ngắn hạn, không có khả năng cải thiện quan hệ Trung-Triều”.
“Tình hình hiện nay là mỗi lần Triều Tiên thử hạt nhân, Mỹ lại tăng cường lực lượng quân sự ở Đông Bắc Á, triển khai máy bay không người lái, tàu sân bay hoặc tổ chức các cuộc tập trận. Và sau đó, áp lực quân sự của Mỹ lại khiến cho Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân khác. Một bên tiến hành thử hạt nhân, còn bên kia tăng cường binh lực và tình hình tiếp tục leo thang”.
“Kết quả của vòng xoáy leo thang này là gì? Áp lực thực sự lại đè lên Trung Quốc và Hàn Quốc. Những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc. Vì vậy hậu quả của việc Triều Tiên gây rối là áp lực và hiểm họa đối với Trung Quốc”.
“Ngoài ra, nếu vũ khí hạt nhân Triều Tiên phát nổ, ai sẽ là nạn nhân của rò rỉ bụi phóng xạ?”
“Đó sẽ là Trung Quốc và Hàn Quốc. Vì Nhật Bản cách Bán đảo Triều Tiên một vùng biển, còn Mỹ thì cách đó cả một Thái Bình Dương bao la rộng lớn”.
Minh Châu (Theo The New York Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)