Vì sao Iraq mở chiến dịch quân sự lớn ở Kirkuk?

Google News

(Kiến Thức) - Các lực lượng an ninh Iraq đã tiến hành một chiến dịch quân sự lớn ở khu vực Kirkuk, tiến tới các mỏ dầu và một căn cứ quân sự chiến lược.

Mục tiêu của chiến dịch quân sự lớn được phát động ngày 16/10 là nhằm kiểm soát Căn cứ không quân K1 nằm ở phía tây Kirkuk.
Vi sao Iraq mo chien dich quan su lon o Kirkuk?
Tỉnh Kirkuk giàu dầu mỏ nằm ngoài Khu bán tự trị Kurdistan ở Iraq. (Nguồn: Al Jazeera)  
Trung tá Salah el-Kinani của Sư đoàn cơ giới số 9 nói với hãng tin Reuters rằng Các lực lượng Iraq đã tiến vào vùng nông thôn bên ngoài thành phố Kirkuk và kiểm soát "nhiều khu vực rộng lớn" mà không vấp phải sự chống đối của các tay súng Peshmerga.
Tuy nhiên, một quan chức an ninh người Kurd đã phủ nhận tin nói rằng quân đội Iraq đã tiến gần thành phố Kirkuk hoặc chiếm lãnh thổ từ tay lực lượng dân quân Peshmerga. Ông này nói với Reuters rằng các mỏ dầu và Căn cứ không quân K1 vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của người Kurd.
Cổng thông tin Rudaw của người Kurd dẫn lời một chỉ huy Peshmerga giấu tên cho biết đã xảy ra đụng độ giữa hai bên gần Taza Khurmatu, phía nam Kirkuk. Lực lượng Iraq và người Kurd đã bắn nhau bằng vũ khí hạng nặng.
Trước đó, Hội đồng An ninh của Khu bán tự trị Kurdistan đã nói rằng Các lực lượng Iraq và Lực lượng Huy động Nhân dân (PMU) bán quân sự đang từ Taza Khurmatu tiến hành một “chiến dịch lớn". Trên Twitter, Hội đồng An ninh của Khu bán tự trị Kurdistan cho biết: "Mục đích của họ (các lực lượng ủng hộ chính phủ Iraq) là vào thành phố (Kirkuk), tiếp quản căn cứ K1 và các mỏ dầu”.
Ông Hemin Hawrami, trợ lý cao cấp của người đứng đầu Khu bán tự trị Kurdistan ở Iraq (KRG) Masoud Barzani cũng viết trên Twitter rằng lực lượng Peshmerga đã được lệnh "không châm ngòi chiến tranh, nhưng nếu lực lượng dân quân PMU nổ súng” thì Peshmerga sẽ "sử dụng mọi sức mạnh” để giáng trả.
Phóng viên Charles Stratford của Al Jazeera, đưa tin từ thủ phủ Erbil, nói rằng lực lượng người Kurd ở trong và xung quanh thành phố Kirkuk "thề sẽ bảo vệ khu vực cho người cuối cùng". Ông nói thêm rằng Thống đốc người Kurd ở Kirkuk đã kêu gọi các cư dân cầm vũ khí “bảo vệ thành phố".
Trong khi đó, truyền hình quốc gia Iraq cho biết, Thủ tướng Haider al-Abadi đã ra lệnh cho các lực lượng Iraq "thiết lập an ninh tại Kirkuk, hợp tác với dân chúng và Peshmerga".
Theo phóng viên Stratford, tham gia chiến dịch này có các đơn vị của Sư đoàn bộ binh cơ giới số 9, cảnh sát liên bang và các đơn vị chống khủng bố của Iraq.
Chiến dịch Kirkuk xảy ra giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa hai bên sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi ngày 25/9 về việc ly khai của người Kurd.
Phóng viên Stratford cho biết: "Có vẻ như tất cả các nỗ lực ngoại giao đã thất bại" và gọi chiến dịch này là một diễn biến "rất đáng lo ngại".
Căng thẳng gia tăng
Lực lượng Peshmerga của người Kurd đã chiếm quyền kiểm soát khu vực Kirkuk giàu dầu mỏ, sau khi quân đội Iraq tháo chạy trước sự tấn công của nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông” (ISIL), còn gọi là ISIS, trong năm 2014.
Kể từ đó, không có thỏa thuận nào giữa KRG và chính phủ liên bang ở Baghdad về việc ai sẽ kiểm soát khu vực cũng như có thể hưởng lợi từ nguồn dầu mỏ.
Phóng viên Stratford nhận định : "Kirkuk rất quan trọng đối với KRG và chính phủ liên bang Iraq. Đây là một trong hai khu vực sản xuất dầu chính của Iraq và được cho là chiếm khoảng 4% tài nguyên dầu mỏ của thế giới”.
Căng thẳng giữa KRG và chính phủ Iraq đã bị đẩy lên mức cao kể từ khi người Kurd Iraq bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào tháng trước vốn bị Baghdad coi là bất hợp pháp.
Không lâu sau cuộc trưng cầu dân ý, Quốc hội Iraq đã yêu cầu Thủ tướng Abadi đưa quân tới Kirkuk và kiểm soát các mỏ dầu trong khu vực.
Ngày 15/10, các nhà lãnh đạo người Kurd đã bác bỏ đòi hỏi của Baghdad coi việc hủy bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp.
Kirkuk nằm ngoài biên giới chính thức của Khu bán tự trị Kurdistan. Đây là quê hương của người Kurd, người Arập, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người theo đạo Cơ đốc. Phần lớn người Arập và người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở Kirkuk qua nhiều thế hệ đã tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)

>> xem thêm

Bình luận(0)