Trung Quốc trừng phạt Triều Tiên đến mức nào?

Google News

(Kiến Thức) - Có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bắt đầu cảnh báo Triều Tiên, nhưng người ta chưa rõ Bắc Kinh sẽ tiến xa đến mức nào.

 Trụ sở của Bank of China, một trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.

Việc Bank of China (BOC)  - một trong 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc - cắt đứt mọi quan hệ với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên chính là bước đi đầu tiên.

Mặc dù thông báo của BOC là khá ngắn gọn, nhưng ảnh hưởng của nó có ý nghĩa sâu rộng.

Cho đến nay, Trung Quốc chỉ tham gia các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, nhưng từ chối thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính do Mỹ cầm đầu.

Do Trung Quốc phản đối việc đưa bất kỳ biện pháp trừng phạt tài chính nào vào nghị quyết của Liên Hợp Quốc, cho đến nay Triều Tiên ít gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho tham vọng hạt nhân đầy tốn kém của nước này. Kết quả là mọi biện pháp trừng phạt Triều Tiên đều không phát huy tác dụng.

Quyết định Bank of China có thể bắt đầu thay đổi điều đó. Cho đến nay BOC là ngân hàng Trung Quốc duy nhất thông báo quyết định cắt đứt quan hệ với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên và có thể do toan tính việc tiếp tục làm ăn với các thể chế tài chính Mỹ. Chỉ có điều, Bắc Kinh đã “bật đèn xanh” cho ngân hàng quốc doanh lớn thứ 4  ở Trung Quốc này và đây chính là lời cảnh báo đối với ban lãnh đạo Triều Tiên.

Nếu các ngân hàng khác của Trung Quốc cũng thực hiện các biện pháp tương tự, Triều Tiên sẽ thiếu tiền nghiêm trọng trong việc tài trợ các chương trình tên lửa và hạt nhân, thông qua việc bán vũ khí hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác. Điều này có thể đẩy toàn bộ chế độ ở Bình Nhưỡng rơi vào khủng hoảng. Trừng phạt tài chính phối hợp là phương pháp hiệu quả nhất để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Chỉ có điều, cách tiếp cận cơ bản của Bắc Kinh đối với Triều Tiên là để duy trì hiện trạng. Trung Quốc không muốn Triều Tiên sụp đổ do việc trừng phạt quá mức. Và không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách này đã thay đổi.

Đúng là ngày càng có nhiều quan chức Trung Quốc đang cảm thấy mệt mỏi trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Quyết định của BOC chỉ là lời cảnh cáo, nhưng chuyển biến thực sự vẫn chưa xảy ra, cho đến khi Bắc Kinh thay đổi lập trường cơ bản và chấm dứt dung túng các chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.

Chỉ khi nào Trung Quốc thực sự muốn làm như vậy, các biện pháp của Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên mới phát huy tác dụng. Khốn nỗi, “ông mất chân giò, bà phải thò chai rượu”. Để lôi kéo Trung Quốc thực sự tham gia trừng phạt Triều Tiên, cộng đồng quốc tế đưa ra những đảm bảo nhất định, phải tạo ra những môi trường thuận lợi và phải đảm bảo không mưu toan lật đổ chế độ ở miền Bắc Triều Tiên.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Chosun Ilbo)

Bình luận(0)