Trung Quốc rút giàn khoan vì lo láng giềng liên kết

Google News

(Kiến Thức) - Sau các hành động gây hấn giờ đây Trung Quốc rút giàn khoan ở Biển Đông vì lo ngại liên minh của các nước láng giếng đối phó nước này.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Ted Galen Carpenter - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện CATO có trụ sở tại Washington, Mỹ.
Dưới đây là nội dung bài viết do Kiến Thức lược dịch:
Rút giàn khoan để tránh liên minh chống Trung Quốc
Sau nhiều tháng có những hành động gây hấn với các nước láng giềng trong khu vực Đông Á, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng chính sách ôn hòa hơn, mà rõ nhất là hành động bất ngờ rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam.
Vào cuối tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh cấp cao với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, tìm cách cải thiện quan hệ sau những căng thẳng sau khi nước này đơn phương công bố Khu vực Xác định Phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông. Ngay cả giọng điệu trong những lời cảnh báo đòi Mỹ đứng ngoài các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng nhẹ nhàng hẳn đi. Thay vì những cáo buộc gay gắt sự can thiệp của Mỹ, giờ đây Trung Quốc kêu gọi Washington "công bằng" trong đánh giá của mình về các vấn đề tranh chấp.
Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trước thời hạn.
Có thể sự xuất hiện của một lập trường ôn hòa giải hơn chỉ đơn giản là một sự thay đổi chiến thuật tạm thời. Nhưng cũng có thể Bắc Kinh cuối cùng đã nhận ra mình đã làm quá với những tuyên bố chủ quyền ngông cuồng trong khu vực, và động thái này chỉ khiến các nước láng giềng xích lại gần Mỹ hơn để chống lại Trung Quốc.
Rất dễ nhận thấy sự phẫn nộ gia tăng trong các quốc gia Đông Nam Á với hành vi hung hăng của Trung Quốc trong những năm qua, và chỉ những quan chức Trung Quốc chậm hiểu nhất mới không nhận thức được những dấu hiệu cảnh báo. Rõ ràng nhất và đáng lo ngại nhất với Bắc Kinh chính là sự cứng rắn ngày càng tăng của Nhật Bản về các vấn đề an ninh. Việc Tokyo diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp của mình, trong đó cho phép lực lượng phòng vệ nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể là một sự kiện bước ngoặt.  Trong tháng 6, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng, chính phủ của ông sẽ hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Đây giống như một cái tát vào tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông.
Cách tiếp cận mới của Nhật Bản rõ ràng vẽ ra một khối đối tác an ninh ngày càng lớn mạnh. Tokyo và Canberra từng đàm phán một thỏa thuận bán công nghệ tàu ngầm Nhật cho Australia. Tương tự, Nhật Bản cũng cho biết sẽ xem xét cung cấp tàu tuần tra hải quân cho Việt Nam, mặc dù vì căng thẳng của Tokyo với Trung Quốc, việc chuyển giao có thể mất một thời gian. Còn quan hệ an ninh giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang ở mức mà những học giả có uy tín đang nói về khả năng xuất hiện một liên minh Nhật-Ấn.
Nhưng lo lắng của Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở việc Tokyo đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực an ninh. Các nước láng giềng khác của Trung Quốc cũng đang phản ứng mạnh mẽ với những hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Việt Nam và Philippines đã tăng lên đáng kể hợp tác ngoại giao và quân sự. Hàn Quốc đồng ý chuyển một tàu hải quân cho Philippines vào cuối tháng 6. Indonesia đang chuyển hướng tập chung quân sự của mình sang đối phó với nguy cơ tiềm ẩn tại Đông Nam Á, rõ ràng vì sự quan ngại ngày càng tăng về tham vọng của Trung Quốc. Bất chấp mối quan hệ kinh tế song phương sâu rộng, Australia đã ban hành một cảnh báo tới Trung Quốc rằng những hành động của nước này tại Biển Đông là vô ích và khiêu khích. Ngay sau đó, Canberra đã đồng ý chi 11,6 triệu USD cho 58 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ, một nâng cấp lớn của lực lượng Không quân Australia.
Động thái hung hăng của Bắc Kinh đã đạt đến ngưỡng tự nó tạo ra sự ủng hộ rộng rãi cho một chính sách ngăn chặn thế lực của Trung Quốc trong khu vực dẫn đầu bởi Mỹ và Nhật Bản. Sẽ không ngạc nhiên nếu giới chức Trung Quốc đã bắt đầu lo lắng trước sự gia tăng các biện pháp chống Trung Quốc trong các nước láng giềng. Điều này khiến Bắc Kinh phải tính đến cách tiếp cận hòa giải và thận trọng hơn.
Mỹ cũng muốn Trung Quốc bớt hung hăng
Động thái của Trung Quốc tạo ra cơ hội cho Mỹ hạ nhiệt tình trạng thù địch ngày càng tăng trong quan hệ Trung-Mỹ và giúp giảm bớt căng thẳng chung ở Đông Á. Một viễn cảnh như vậy đủ xứng đáng để thúc các quan chức Mỹ để tìm hiểu xem liệu hành vi ôn hòa hơn gần đây của Trung Quốc có đủ được xem là có thiện chí. Nhưng cũng có những lý do bổ sung để họ làm điều này.Washington đang có rất nhiều vấn đề và các cuộc khủng hoảng cần giải quyết, bao gồm chiến sự ở Syria, Iraq, Libya và Ukraine, cũng như cuộc chiến chống ma túy ở Mexico và Trung Mỹ. Đặc biệt đáng báo động là mối quan hệ với Nga của Vladimir Putin đã xuống cấp đến mức gần kề mức độ của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Washington cần quan hệ tốt hơn với Trung Quốc để các quan chức Mỹ rảnh tay giải quyết vô số các vấn đề khác. Và đặc biệt quan trọng là Mỹ sẽ không muốn có tình trạng căng thẳng với cả Moscow và Bắc Kinh cùng một lúc. Hoàn cảnh bây giờ chỉ ra rằng hâm nóng lại mối quan hệ với Trung Quốc là rất đáng cân nhắc.
Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có thể ôn hòa được bao lâu khi nước này vừa tuyên bố tập trận quy mô lớn trên biển Đông và biển Hoa Đông từ ngày 29/7. Các hãng hàng không Trung Quốc thông báo tình trạng trễ, hủy chuyến sẽ xảy ra hàng loạt do các cuộc tập trận. Như vậy, Trung Quốc vẫn sẽ giữ bản chất hung hăng mà chỉ chịu nhún nhường khi các nước cho thấy quyết tâm của mình.
Quang Nguyên

Bình luận(0)