Trung Quốc có tiếp tục chính sách đối ngoại quyết đoán?

Google News

(Kiến Thức) - Một bài viết đăng trên The National Interest hy vọng kinh tế xuống dốc sẽ khiến cho Trung Quốc bớt theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán như trước.

Cách đây không lâu, nền kinh tế Trung Quốc còn thách thức cả thuyết vạn vật hấp dẫn lẫn những tiên đoán về ngày tận thế. "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", Trung Quốc đang theo đuổi chính sách đối ngoại quyết đoán, không còn "giấu mình chờ thời" theo lời dạy của cố "trưởng lão" Đặng Tiểu Bình.
Trung Quoc co tiep tuc chinh sach doi ngoai quyet doan?
Đã có thời "con rồng Trung Hoa" thách thức cả thế giới.
Mặc dù đã trải qua nhiều năm tăng trưởng mất cân đối, Bắc Kinh vẫn dựa vào đầu tư để tăng cường sức mạnh kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Kể từ năm 2009, Trung Quốc dựa vào tín dụng để tăng trưởng, mặc dù có tin nói tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã lên tới gần 300%. Đây là tỷ lệ nợ nguy hiểm đối với một nước có thu nhập  trên trung bình, nhưng chưa gây ra  một cuộc khủng hoảng tài chính.
Bong bóng bất động sản của Trung Quốc, có lẽ là lớn nhất thế giới, chỉ bị xì hơi chứ chưa đến mức nổ tung thành từng mảnh.
Chính sách đối ngoại đầy quyết đoán
Dường như, sức mạnh kinh tế hùng hậu đã khiến cho chính phủ Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại đầy tham vọng nhưng cũng đầy rủi ro trong vài năm qua. Giới thượng lưu ở Bắc Kinh cho rằng Mỹ và các nước phương Tây khác đang xuống dốc, còn  Trung Quốc thì đang trỗi dậy mạnh mẽ không có gì ngăn cản nổi. Thay vì “giấu mình chờ thời” theo lời dạy của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình,  Bắc Kinh đã đưa ra rất nhiều cam kết kinh tế ở nước ngoài và bắt đầu công khai thách thức trật tự an ninh ở khu vực Đông Á.
Trong bối cảnh sức mạnh kinh tế vượt trội, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán, ngang ngược và hung hăng hơn trong  tranh chấp lãnh thổ và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trung Quoc co tiep tuc chinh sach doi ngoai quyet doan?-Hinh-2
Đối với Biển Đông, ban lãnh đạo Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi cách tiếp cận đối đầu. 
Trong khi các nhà lãnh đạo thế hệ trước cố tình “gác lại” tranh chấp ở  quần đảo Senkaku/ĐiếuNgư và Biển Đông, ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay theo đuổi cách tiếp cận đối đầu hơn. Họ tin rằng với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, Trung Quốc không cần phải đếm xỉa đến lợi ích và sự quan ngại của Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã leo thang căng thẳng bằng cách thiết lập Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) gây nhiều tranh cãi  trên Biển Hoa Đông (bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý và đắp một số đảo nhân tạo khổng lồ ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Lực bất tòng tâm
Hiện thời, khi động cơ kinh tế  bị trục trặc và những nhược điểm của Trung Quốc bị phơi bày, một câu hỏi được đặt ra: Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chính sách đối ngoại quyết đoán như trước. Căn cứ vào hành vi của Trung Quốc trong quá khứ và những hạn chế hiện tại, hy vọng rằng sự xuống dốc của nền kinh tế sẽ khiến cho ban lãnh đạo ở Bắc Kinh Trung theo đuổi chính sách ngoại giao ít quyết đoán hơn.
Nếu tăng trưởng ngắn hạn của Trung Quốc đòi hỏi phải xuất khẩu nhiều hơn sang phương Tây, thật khó tưởng tượng rằng Bắc Kinh có thể thành công trong lĩnh vực này, nếu cứ tiếp tục các chính sách ngang ngược ở Biển Đông.
Đồng thời, kinh tế suy giảm cũng sẽ hạn chế đáng kể việc Bắc Kinh tài trợ cho các dự án khổng lồ và đầy rủi ro trong thế giới đang phát triển. Với giá cả nguyên vật liệu giảm mạnh và các luận cứ kinh tế không rõ ràng của các dự án khổng lồ này, rất có thể sẽ xuất hiện một làn sóng vỡ nợ trong những năm tới. Điều này sẽ khiến cho Bắc Kinh bị lúng túng và phải xét lại việc “ném tiền qua cửa sổ” trước đây.
Điều quan trọng nhất là nền kinh tế tiếp tục suy yếu kinh tế sẽ buộc Trung Quốc phải phaan bố lại nguồn lực tài chính vốn khá hạn hẹp để duy trì tăng trưởng trong nước. Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình buộc phải lựa chọn giữa vinh quang bên ngoài và sự tồn tại của chế độ, có một điều chắc chắn là ông Tập sẽ chọn sự tồn tại của chế độ.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)