Triều Tiên sử dụng “GPS Trung Quốc” điều khiển tên lửa?

Google News

(Kiến Thức) - Có một số đồn đoán về việc Triều Tiên sử dụng hệ thống “GPS Trung Quốc” để dẫn đường đến mục tiêu cho các loại tên lửa đạn đạo tầm xa.

Theo các báo cáo cho đến năm 2014, nhiều kỹ sư Triều Tiên đã đến Trung Quốc để học tập công nghệ của hệ thống vệ tinh định vị mang tên Bắc Đẩu, còn được gọi là “GPS Trung Quốc”.
Cuối năm 2014, một báo cáo khác trích dẫn một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không thể ngăn cản Bình Nhưỡng sử dụng “Bắc Đẩu” trong các hoạt động quân sự.
Trieu Tien su dung “GPS Trung Quoc” dieu khien ten lua?
Triều Tiên đồng loạt phóng thử 4 tên lửa đạn đạo. Ảnh: NBC News 
Bên cạnh Bắc Đẩu, các lựa chọn khác đối với Triều Tiên là Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ và hệ thống Glonass của Nga.
Ông Yu Koizumi, một nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Tương lai của Nhật Bản, cho biết: "Trong khi không loại trừ khả năng ứng dụng Glonass cho hệ thống tên lửa của Triều Tiên, việc sử dụng Bắc Đẩu xem ra là một giải pháp hợp lý hơn”.
Theo ông Koizumi, Nga đã áp đặt lệnh cấm chuyển giao cho Triều Tiên các loại vũ khí và các công nghệ liên quan đến quân sự sau các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào những năm 2000, nhưng hiện chưa rõ lệnh cấm này có bao gồm các thiết bị liên quan đến Glonass hay không.
Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc ra mắt vào năm 1994. Giống như GPS của Mỹ, Beidou hỗ trợ hai loại dịch vụ: Một cho mục đích dân dụng và thương mại và một mạnh mẽ hơn, có khả năng chống gây nhiễu và chính xác hơn cho mục đích quân sự.
Mặc dù chưa có xác nhận việc phiên bản quân sự của Bắc Đẩu đang được Triều Tiên sử dụng, có vẻ như phiên bản dân sự đã được ứng dụng cho các loại đạn dẫn đường chính xác (PGM) của Bình Nhưỡng.
Phiên bản dân sự của Bắc Đẩu dễ bị Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gây nhiễu điện tử và đây là điều Quân đội Triều Triên không thể chấp nhận trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo nhà phân tích James Lewis, phó chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, loại tên lửa đạn đạo KN-09 của Triều Tiên có thể sử dụng tín hiệu kết hợp giữa Bắc Đẩu và Glonass để nâng cao độ tin cậy và chính xác.
Triều Tiên cũng có thể sử dụng bản đồ địa hình và các khả năng tinh vi hơn khác, chẳng hạn như hướng dẫn quán tính gắn trên các tên lửa tầm trung và tầm xa.
Tuy nhiên, nhiều khả năng Triều Tiên sử dụng Bắc Đẩu để điều khiển tên lửa bắn trúng các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á. Triều Tiên cũng đang nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Trieu Tien su dung “GPS Trung Quoc” dieu khien ten lua?-Hinh-2
Vệ tinh giám sát trong Hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc. China.org.cn 
Từ nay đến năm 2020, Trung Quốc có kế hoạch bổ sung thêm ít nhất 30 vệ tinh mới cho Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, bên cạnh hơn 20 vệ tinh hiện đang hoạt động để làm tăng thêm tính chính xác và năng lực của hệ thống này.
Năm ngoái, Giám đốc Cơ quan điều khiển vệ tinh Trung Quốc Ran Chengqi đã nói tại một cuộc họp báo rằng việc nâng cấp này sẽ cải thiện tính chính xác của hệ thống Beidou xuống còn decimeter chứ không phải là mét.
Hệ thống Bắc Đẩu đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả ở Biển Đông, trong việc thu thập thông tin và thông tin liên lạc.
Hồi tháng 1/2017, chuyên gia phân tích chính sách Jordan Wilson của Ủy ban Đánh giá An toàn Kinh tế và An ninh Mỹ, cho biết chương trình Bắc Đẩu có thể khiến Trung Quốc tiêu tốn tới 10 tỷ USD đến năm 2020.
Ông Wilson mô tả việc Trung Quốc triển khai và phát triển các loại đạn được dẫn đường chính xác là "đặc điểm trung tâm của chiến lược chống tiếp cận/truy cập của Trung Quốc trong các nhiệm vụ của Quân Giải phóng Nhân dân, nhằm làm cho việc can thiệp quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương trở nên tốn kém hơn".
Mục tiêu chống tiếp cận/truy cập khu vực của Triều Tiên có tác dụng bổ sung cho mục tiêu của Trung Quốc và do đó không có gì đáng ngạc nhiên, khi Bắc Kinh cho phép nước láng giềng này tiếp cận tín hiệu quân sự của Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu.
Minh Châu (Theo Asia Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)