Triều Tiên sao chép tên lửa ICBM của Liên Xô…qua Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Các bằng chứng mới cho thấy một viện nghiên cứu có trụ sở tại Ukraine có thể đứng sau sự tiến bộ đáng ngạc nhiên của Triều Tiên về công nghệ ICBM.

Các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng đã khiến cho các nước láng giềng tức giận. Nhưng sự giận dữ đã trở thành mối đe dọa sau khi Triều Tiên đã khiến cho thế giới kinh ngạc vào ngày 4 tháng 7 (Ngày Độc Lập ở Mỹ), khi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên Hwasong-14 (Hỏa tinh-14) lên tới độ cao 2.802 km và xa 933 km về phía đông Biển Nhật Bản sau chuyến bay kéo dài 39 phút.
Trieu Tien da sao chep ICBM cua Lien Xo…qua Ukraine?
Các chuyên gia tên lửa Nga đã kiểm tra hình ảnh Hwasong-14 và nói rằng ICBM của Triều Tiên có thể là bản sao của tên lửa tầm xa Liên Xô như SS-18 Satan.  (Nguồn: CSIS)  
Với quĩ đạo tối ưu, tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều tiên có thể bay xa 6.700km và có thể hơn 10.000km (không tính đến sự xoay chuyển của Trái Đất). Với tầm bắn này, Hwasong-14 có khả năng đặt các mục tiêu ở Alaska và Hawaii trong phạm vi tấn công của nó.
Sao chép tên lửa Liên Xô?
Lúc đầu, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng tên lửa Hwasong-14 chỉ là một trong những "đồ chơi" tạm thời mà Bình Nhưỡng thích phô trương, nhưng Lầu Năm Góc đã xác nhận ngay sau đó rằng đây là một tên lửa liên lục địa (ICBM) thực sự.
Các chuyên gia tên lửa Nga đã kiểm tra hình ảnh Hwasong-14 và nói rằng ICBM của Triều Tiên có thể là bản sao của tên lửa tầm xa Liên Xô như SS-18 Satan và có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
Một phân tích ban đầu về quỹ đạo và tải trọng của loại tên tửa Hwasong cho thấy Bình Nhưỡng có thể đã sở hữu công nghệ ICBM then chốt từ Văn phòng Thiết kế Yuzhnoye ở Ukraine, vốn từng là niềm tự hào của Liên Xô về tên lửa và nghiên cứu phát triển vũ khí tiên tiến nhưng bây giờ chìm ngập trong đống nợ nần.
Dùng tiền kiếm được từ Trung Quốc mua công nghệ Ukraine?
Các nhà phân tích lo ngại Triều Tiên có khả năng "bỏ qua" các tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, đặc biệt là vật liệu composite, nhiên liệu rắn và lớp bảo vệ nhiệt cho đầu đạn.
Một nhà quan sát nói: "Từ năm 2000, Bình Nhưỡng đã đưa gián điệp tới Ukraine, đôi khi qua Moscow. Nhưng dường như mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang có lợi cho Bình Nhưỡng ".
Thực tế các vụ phóng ICBM ban đầu của Bình Nhưỡng đều thành công cũng dẫn đến nhiều nghi ngờ , chứ không phải là công nhận khả năng quân sự đích thực của CHDCND Triều Tiên.
Giới quan sát nghi ngờ Bình Nhưỡng trộm cắp công nghệ tiên tiến của Ukraine và dùng tiền kiếm được từ Trung Quốc mua thiết bị quân sự ở đất nước Đông Âu đang lâm vào cảnh bần cùng này.
Minh Châu (Theo Asia Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)