Trận chiến Mosul sẽ định hình tương lai Iraq, Syria

Google News

(Kiến Thức) - Tương lai của Syria và Iraq sẽ được định hình rõ rệt bởi kết quả của chiến dịch giải phóng Mosul đang diễn ra.

Đó là nhận định của học giả Rami Khouri G, thành viên chính sách công cao cấp của Viện Fares Issam tại Đại học Mỹ ở Beirut và là một thỉnh giảng viên cao cấp tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, trong bài viết sau đây cho Al Jazeera.
Tran chien Mosul se dinh hinh tuong lai Iraq, Syria
Dân quân người Kurd trong chiến dịch giải phóng Mosul. Ảnh Reuters 
Theo học giả Rami Khouri G, chiến dịch giải phóng thành phố Mosul có thể sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với số phận của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Syria-Iraq. Nó cũng có thể cho thấy cấu hình chính trị tương lai ở cả hai nước.
Tuy nhiên, hậu quả thực tế của trận chiến Mosul lại phụ thuộc rất nhiều vào các diễn biến quan trọng về quân sự, dân số và diễn biến chính trị hoàn toàn chưa rõ ràng.
Những diễn biến nói trên bao gồm: Phiến quân IS sẽ chống trả dữ đội như thế nào ở Mosul? Liệu người Sunni, người Shia và người Kurd Iraq cũng như các nhà lãnh đạo chính trị có thể đạt được thỏa thuận về cách thức điều hành thành phố Mosul và các vùng giải phóng khác? Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có hài lòng với việc đã đạt được các mục tiêu quân sự chiến lược ở Syria-Iraq và tránh đối đầu với quân đội Iraq hoặc dân quân người Kurd?
Thời khắc phán xét lịch sử
Tuy nhiên, đây là một thời khắc lịch sử phán xét hầu hết các bên tham gia cuộc chiến chống lại IS ở miền bắc Syria và Iraq.
Điều này xuất phát từ một số diễn biến lớn, trong đó đáng chú ý nhất là: IS liên tục bị mất lãnh thổ, sự tăng cường phối hợp quân sự giữa một nửa tá quốc gia hoặc các bên; nhận thức chính trị trong nội bộ Iraq về việc làm thế nào để đánh bại IS và việc làm rõ mục đích chiến tranh của cường quốc láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận chiến giải phóng Mosul đòi hỏi sự phối hợp và nhận thức chung giữa chính phủ, quân đội, cảnh sát Iraq, lực lượng người Kurd, các lực lượng bộ tộc Sunni và lực lượng dân quân Shia ở Iraq thân Iran. Đó là chưa kể lực lượng không quân và lực lượng đặc nhiệm Mỹ cùng với các nước khác cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần.
Có vẻ như các bên tham gia cuộc chiến Mosul đã nhất trí về mức độ tham gia giới hạn của Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế sự tham chiến của lực lượng dân quân Shiite ở thành phố Mosul, nơi có người Sunni chiếm đa số.
Điều này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân Shia thân Iran được phép tham chiến trong chừng mực nhất định mà không gây ra sự phản đối dữ dội từ phía các lực lượng người Sunni hay người Kurd.
Phối hợp chặt chẽ
Điều quan trọng trong chiến dịch giải phóng Mosul là sự phối hợp tác chiến chưa từng có giữa Các lực lượng vũ trang Iraq và lực lượng người Kurd ở Iraq.
Điều này cho thấy một cấp độ mới của nhận thức chung về việc chỉ có hai lực lượng chủ công trong chiến dịch giải phóng thành phố Mosul, trong khi các bên còn lại cung cấp sự hỗ trợ từ trên không khí hoặc bằng cách khác, trong đó có thông tin tình báo và hậu cần.
Điều này cũng chỉ ra rằng Các lực lượng vũ trang Iraq đã đạt đến một mức độ thành thạo kỹ thuật và tự tin chính trị. Sức mạnh của các lực lượng này sẽ được kiểm chứng đầy đủ trong các trận đánh giải phóng Mosul.
Một quân đội Iraq có sức chiến đấu và đáng tin cậy hơn có thể đóng góp to lớn vào việc xây dựng lại nhà nước tương lai, đặc biệt là nếu nó kéo theo sự tiến bộ của cảnh sát Iraq trong việc bảo đảm an ninh tại các thành phố và thị trấn của nước này.
Một thử thách lớn nữa là liệu Cảnh sát Iraq có đào tạo được 20.000 nhân viên thuộc bộ tộc Sunni để làm công tác bảo vệ trật tự an ninh ở trong và xung quanh thành phố Mosul.
Việc có trong tay quân đội, cảnh sát vũ trang có năng lực, có uy tín và hợp pháp là cần thiết để đưa đất nước Iraq thoát khỏi chu kỳ suy thoái và trì trệ kéo dài trong mấy thập kỷ qua. Điều này cho phép chính phủ ở Baghdad và lãnh đạo các giáo phái và sắc tộc đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực hợp lý, giảm mức độ tham nhũng tràn lan và thúc đẩy phát triển bền vững, cải thiện đời sống của người dân Iraq trong các lĩnh vực như cung cấp điện, công ăn việc làm, thu nhập và an ninh.
Sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ
Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ ở cả Syria và Iraq trong những tuần gần đây là một diễn biến mới quan trọng, giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Việc cắt đứt tuyến đường tiếp viện của IS ở miền bắc Syria và sự thất thủ ở thị trấn tôn giáo Dabiq có tính chất biểu tượng (nơi IS tin rằng cuộc chiến khải huyền sẽ xảy ra) đã bộc lộ khả năng phòng thủ hạn chế của phiến quân IS.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã đạt được mục tiêu chiến lược quan trọng ở miền bắc Syria (đã đẩy IS xa ra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và không để cho người Kurd Syria nối liền các vùng lãnh thổ gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ). Trong vài tuần tới, rất có thể Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các lực lượng dân quân địa phương phát động một cuộc tấn công kết hợp vào “thủ phủ” của Nhà nước Hồi giáo là thành phố Raqqa ở đông bắc Syria.
Học giả Rami Khouri G kết luận: Tương lai của Syria và Iraq sẽ được định hình rõ rệt bởi kết quả của trận đánh Mosul đang được tiến hành.
Minh Châu (Theo Al Jazeera)

>> xem thêm

Bình luận(0)