TQ có để cho Mỹ tấn công cơ sở hạt nhân Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Hoàn cầu Thời báo hôm 22/4 lập luận rằng Trung Quốc không nên phản ứng quân sự, khi Mỹ tiến hành không kích “phẫu thuật” các cơ sở hạt nhân Triều Tiên.

Hoàn cầu Thời báo (Global Times), phụ trương của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, đăng bài bình luận về những lựa chọn hạn chế của Trung Quốc để ngăn ngừa chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Đáng chú ý, bài viết đăng trên Global Times lập luận rằng Trung Quốc: 1) nên hạn chế nguồn cung cấp dầu cho CHDCND Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác và 2) không nên phản ứng quân sự trong trường hợp Mỹ tiến hành không kích “phẫu thuật” các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
TQ co de cho My tan cong co so hat nhan Trieu Tien?
Mỹ đe dọa tiến hành không kích “phẫu thuật” các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Sputnik News 
Đây quả là một ý kiến khá bất ngờ. Nhưng nếu nhìn vào mối quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên trong mấy năm qua, thì người ta cũng có thể hiểu được vì sao Trung Quốc lại sẵn sàng liên kết Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Bắc Kinh thất vọng với Bình Nhưỡng
Thật không sai khi nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un không có điểm tương đồng nào sau khi giành quyền lực. Quan hệ Trung-Triều vẫn thân thiện dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Sau cái chết của ông Kim Jong-il vào năm 2011, mọi thứ đã thay đổi trong quan hệ Trung-Triều, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên nắm quyền vào thời điểm đầy biến động trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng đây cũng là cơ hội cho sự thay đổi tích cực. Một số người đã coi Jang Song-thaek, người chú dượng đã phù tá nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trong quá trình chuyển giao quyền lực, là chìa khóa quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh và cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc. Ông Jang Song-thaek đã can dự vào việc thành lập một khu kinh tế chung với Trung Quốc và được xem là một nhân vật có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
Những hy vọng đó đã nhanh chóng tan biến. Sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa vào tháng 4 năm 2012, Bắc Kinh đã ủng hộ tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ phóng tên lửa này. Nhiều người cho rằng Trung Quốc đã cảnh Bình Nhưỡng báo thông qua các kênh tư nhân. Ngay sau đó, Trung Quốc đã thẳng thừng từ chối đề nghị của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đến thăm Bắc Kinh, vào thời điểm bàn giao quyền lực cho ông Tập Cận Bình cùng năm.
Sau đó là một loạt những cú sốc làm chao đảo quan hệ Trung-Triều. Ông Jang Song-thaek, miềm hy vọng về cải cách kinh tế ở Triều Tiên, đã bị cháu vợ hành quyết. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên, các “tội ác” của ông Jang bao gồm "những vi phạm " liên quan đến khu kinh tế chung được thành lập với Trung Quốc và trong việc thâu tóm "các lĩnh vực kinh tế lớn của đất nước".
Trung Quốc quay lưng lại với CHDCND Triều Tiên? 
Có lẽ thời điểm đáng chú ý nhất cho thấy Bắc Kinh quay lưng lại với Bình Nhưỡng là chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào mùa hè năm 2014. Động thái này đã phá vỡ một truyền thống lâu đời của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Triều Tiên trước, đánh dấu sự thay đổi chính trị chấn động ở Đông Bắc Á. Cho tới giờ, nhiều người ở Bắc Kinh vẫn coi mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Hàn Quốc là lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Chính quyền hiện nay ở Washington do Tổng thống Donald Trump lãnh đạo là khó đoán định nhất so với bất kỳ chính quyền Mỹ nào gần đây. Trong khi đó, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un xem ra cũng không hề thua kém. Đó là chưa kể chương trình hạt nhân đã được trình bày trước công chúng Triều Tiên là thành tựu đỉnh cao của chế độ. Làm thế nào mà ông Kim Jong-un lại có thể từ bỏ thứ “quốc bảo” vốn làm cho ông trở thành một nhà lãnh đạo thành công?
Cho đến nay, Trung Quốc không muốn Mỹ tiến hành một không kích “phẫu thuật” các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Trên thực tế, Lầu Năm Góc cũng không muốn mạo hiểm điều này. Washington và Bắc Kinh đều đồng ý rằng cần phải ngăn cản sự phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Nếu nhận định của Global Times phản ánh phần nào tâm trạng ở Bắc Kinh, thì Trung Quốc cũng chỉ sẵn sàng “đi xa hơn bao giờ hết” bằng cách hạn chế việc cung cấp dầu cho CHDCND Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.
Minh Châu (Theo Asia Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)