Thỏa thuận ngừng bắn Syria: “Lắm thầy, thối ma”?

Google News

(Kiến Thức) -Thỏa thuận ngừng bắn Syria có quá nhiều bên can dự, nhưng lại là hy vọng hòa bình lớn nhất và số phận của nó sẽ được quyết định ở Aleppo.

Video Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố thỏa thuận ngừng bắn Syria (Nguồn The Guardian):
Thật khó để môi giới một lệnh ngừng bắn giữa hai kẻ thù. Nội chiến Syria là một cuộc chiến có nhiều bên tham gia, cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Khoảng 100 nhóm vũ trang đối lập đăng ký tham gia thỏa thuận ngừng bắn Syria có hiệu lực vào 24h00 ngày 27/2/2016.
Thoa thuan ngung ban Syria: “Lam thay, thoi ma”?
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một cuộc họp báo công bố thỏa thuận ngừng bắn Syria.
Thỏa thuận ngừng bắn đã được thống nhất cách đây một tuần (22/2) giữa Nga và Mỹ, hai đồng chủ tịch của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria (ISSG). Chính phủ Syria, Không quân Nga, Iran và lực lượng dân quân Shia đến từ Afghanistan, Iraq và Lebanon đều phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
Ngừng bắn với trường hợp ngoại lệ
Các nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận al-Nusra - một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria - vẫn có thể bị tấn công vì bị coi là các tổ chức khủng bố. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã “đón chào” thỏa thuận ngừng bắn Syria các cuộc tấn công bằng bom ở Homs và ngoại ô Damascus ngày 21/ 2, khiến gần 200 người thiệt mạng. Ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, thủ lĩnh Abu Mohammed al-Golani của Mặt trận al-Nusra đã kêu gọi phiến quân Syria tăng cường cuộc chiến chống lại Tổng thống Assad và các đồng minh của ông này.
Nếu Quân đội Syria và các đồng minh tiếp tục tấn công nhóm phiến quân Mặt trận al-Nusra, như thỏa thuận cho phép, một số vấn đề sẽ nảy sinh, đặc biệt ở các thành phố Aleppo mạn bắc Syria.
Chắp vá Aleppo
Thành phố Aleppo được cho là có khoảng 40.000 chiến binh đối lập và được chia thành 50 nhóm khác nhau. Mặt trận al-Nusra là một trong những nhóm mạnh nhất, kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng cung cấp nước và điện. Trong thành phố Aleppo, các vị trí của phiến quân Mặt trận al-Nusra và của các nhóm đối lập khác rất gần nhau. Sẽ là vô cùng khó khăn để phân biệt giữa các nhóm và xác định vị trí trên bản đồ các khu vực có thể bị tấn công.
Hơn nữa, nhóm gọi là “ôn hòa” cũng có thể tiếp tục gia nhập liên minh chiến thuật với các phần tử cực đoan. Theo nhà phân tích Daniel Müller của Quỹ Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột Hesse (HSFK), sau 5 năm nội chiến, không một nhóm nào trong số các nhóm đối lập trước đây còn "trong sạch".
Cho đến nay, liên minh giữa một số nhóm đối lập và al-Nusra Front đã cho phép chính phủ Syria hợp pháp hóa các cuộc tấn công quy mô lớn. Nếu điều này tiếp tục, đạn bom của quân đội Syria có thể tiếp tục dội vào các nhóm đã đăng ký tham gia tiến trình hòa bình và nhanh chóng chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn.
Chuyên gia Müller chia các nhóm đối lập vũ trang thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất là lực lượng đối lập Syria, như Quân đội Syria Tự do và dân quân phòng thủ khu vực. Nhóm thứ hai là các nhóm thánh chiến với chương trình nghị sự thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Syria. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra thuộc về nhóm này.
Nhóm người Kurd cũng là lực lượng quan trọng và chủ yếu đấu tranh cho quyền tự chủ.
Cực đoan hóa phe đối lập
Vào thời kỳ đầu, phe đối lập Syria không tập trung vào định hướng tôn giáo, nhưng đã bị cực đoan hóa trong quá trình nội chiến. Các nước vùng Vịnh đã đóng một vai trò quan trọng vào xu hướng này, bởi vì họ hỗ trợ nhiều hơn cho các nhóm có định hướng tôn giáo. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại sở Washington cho công bố vào giữa tháng 2/2016 cho thấy năm nhóm vũ trang đối lập ở Aleppo có ảnh hưởng nhất đều có thiên hướng Hồi giáo. Nhóm Ahrar al Sham, được Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh hậu thuẫn - đã bị phân loại là thánh chiến. Ba trong số bốn nhóm còn lại nhận được sự hỗ trợ của Mỹ.
Các khu vực xung quanh Aleppo đã có cư dân sinh sống cách đây khoảng 8.000 năm. Gần 700 năm trước đây, du khách Ibn Batuta hết lời ca ngợi vẻ đẹp của thành phố Aleppo. Hiện thời, thành phố Aleppo – có thời là trung tâm kinh tế của Syria – chỉ còn là một đống đổ nát. Đó cũng là nơi mà tương lai của thỏa thuận ngừng bắn và của đất nước Syria sẽ được quyết định.
Minh Châu (Theo DW)

Bình luận(0)