“Tài liệu Panama” và nền kinh tế ngầm

Google News

Chỉ sau chưa đầy một tuần được công bố, “tài liệu Panama” - vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử thế giới - đã tạo ra cơn bão chính trị thực sự.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức, Tổng thống Argentina có thể bị điều tra, các lãnh đạo hàng đầu thế giới như Thủ tướng Anh David Cameron, người có bố bị phát hiện sở hữu tài khoản "ma" trong tập hồ sơ, Thủ tướng Pakistan... đối mặt với sự giận dữ của người dân trong nước khi mà tập tài liệu này chỉ ra những vi phạm trốn thuế và lách luật để giấu tài sản ở mức độ chưa từng được biết đến.
“Tai lieu Panama” va nen kinh te ngam
Hình minh họa: Tài liệu Panama” - vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất lịch sử thế giới. 
"Tài liệu Panama" cho chúng ta một cái nhìn, dù chỉ là qua khe cửa hẹp, về hệ thống đồ sộ của nền kinh tế ngầm của giới giàu có trên thế giới. Một thế giới mà các luật sư tài chính sẽ giúp bạn rửa tiền mà không cần biết nguồn gốc của đồng tiền đó đến từ đâu (và có lẽ là họ cũng không muốn biết).
Giữa thời điểm các chính phủ châu Âu đang kêu gọi ‘thắt lưng buộc bụng’ trong chi tiêu công thì tập tài liệu Panama chỉ ra một nghịch lí bất bình đẳng: phải chăng đang có một bộ luật riêng dành cho giới siêu giàu và một luật chơi khác dành cho tất cả những người còn lại? Tập tài liệu Panama là vụ rò rỉ tài liệu về hệ thống kinh tế ngầm lớn nhất trong lịch sử.
Nó lớn hơn những gì Wikileaks cho công bố rộng rãi về những cuộc trò chuyện bí mật giữa những chính trị gia, nó lớn hơn những gì Edward Snowden đã cung cấp cho báo giới về bê bối nghe lén của NSA. Con số chính xác là khoảng 2.6 terabyte. Nó tiết lộ khoảng 200.000 công ty ở các thiên đường thuế mà Mossack Fonseca sẽ đăng kí lợi nhuận và tài sản của các nhân vật, công ty không muốn giá trị tài sản thật của mình lộ diện vì nhiều lí do.
Cũng cần nói ngay là việc sử dụng các tài khoản "ma" ở các thiên đường thuế như quần đảo Bahamas, quần đảo Virgin (đều thuộc Vương quốc Anh) không phải là hành động phạm pháp. Tờ Guardian cho biết là các nhà tài phiệt Đông Âu thường chuyển tiền của mình vào các tài khoản ma để tránh tình trạng tham nhũng ở nước mình và mafia. Cũng có các trường hợp khác sử dụng tài khoản ma cho mục đích để dành thừa kế.
Tuy vậy thì sự thật là phần lớn các tài khoản ma được sử dụng cho mục đích trốn thuế của các doanh nghiệp và cá nhân. Nguy hiểm hơn là các dòng tiền chuyển động giữa các tài khoản ma không rõ ràng nguồn gốc nên đây là lựa chọn hàng đầu mà các tổ chức tội phạm có tổ chức, tổ chức khủng bố hay các nước bị cấm vận như Triều Tiên có thể sử dụng.
Điều này được khẳng định khi chỉ sau 5 giờ đầu giải mã thì đã có tới 33 cá nhân và tổ chức bị phát hiện có trong danh sách cấm của Interpol quốc tế vì các liên quan đến khủng bố, Triều Tiên và các tổ chức tội phạm buôn bán ma túy và người từ Mexico. Ramon Fonseca, đồng sáng lập Mossack Fonseca, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên kênh truyền hình Panama rằng những gì mà Mossack Fonseca làm là hợp pháp và công ty ông không có trách nhiệm phải biết là khách hàng làm gì với số tiền của họ sau khi trung chuyển qua công ty của ông.
Mossack Fonseca chỉ là một phần của hệ thống tài khoản ma của toàn thế giới, một thế giới ngầm được ước tính có khoảng 10 triệu tỷ USD. Điều đáng lo ngại là nền kinh tế ngầm này được kiểm soát rất lỏng lẻo.
Các qui định chặt chẽ như kiểm soát sự di chuyển của dòng tiền hay xác định rõ danh tính và nguồn gốc của tài sản của hệ thống ngân hàng chính thống được bỏ qua bởi các tài khoản ma. Sự thiếu giám sát này đã tạo ra một tình thế trớ trêu là việc gửi tài sản ở các tài khoản ma không phạm pháp nhưng nó lại dường như chỉ có những tác hại đến xã hội, đặc biệt ở các nước nghèo.
Raymond Baker - Giám đốc trung tâm giám sát tài chính tại viện Chính sách quốc tế - cho biết rằng “các hành động trốn thuế, đặc biệt là tại các nước nghèo, là một trong những nguyên nhân chính cản trở việc thoát nghèo. Nó là sự chảy máu tài sản liên tục và dồn dập”. Khi mà các chính phủ khắp thế giới kêu gọi người dân thắt lưng buộc bụng để làm giảm thâm hụt ngân sách thì tập tài liệu Panama được đưa ra ánh sáng đã chỉ ra một nghịch lí là khi mà các cuộc cắt giảm ngân sách chi tiêu công đánh mạnh nhất vào người thu nhập trung bình thấp thì tầng lớp siêu giàu được hưởng những “đặc ân” đặc biệt.
Tài sản của họ được cất giấu an toàn tại những tài khoản ma và nhờ đó tránh được việc trả thuế cao, thuế có thể sẽ làm giảm đi tác động tiêu cực đến những người thu nhập thấp. Sự tồn tại của nền kinh tế ngầm không chỉ là hiểm họa cho những hoạt động bất hợp pháp diễn ra mà còn chỉ ra sự bất công bằng của nền tài chính mở của thế giới.
Xem thêm video Thủ tướng Iceland từ chức sau vụ "Hồ sơ Panama" (Nguồn TTXVN):
Theo Nongnghiep.vn

Bình luận(0)