Sự thật bẽ bàng: Mỹ không thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Google News

Theo chuyên gia vũ khí hạt nhân người Mỹ Joe Cirincione, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không đủ khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này không ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, theo chuyên gia vũ khí hạt nhân người Mỹ Joe Cirincione, ông Trump không để ý tới thực tế rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không đủ khả năng bắn hạ tên lửa Triều Tiên.
Su that be bang: My khong the ban ha ten lua Trieu Tien
 Ngay cả với hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao S-M3 hiện đại, Mỹ vẫn không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Triên. Ảnh: UPI 
Viết trên trang Defense One, ông Cirincione cho rằng cả Mỹ và Nhật Bản đều bất lực, không thể đánh chặn tên lửa do Triều Tiên phóng đi mới đây bởi lẽ “không một vũ khí phòng thủ tên lửa nào đang tồn tại” có thể bắn trúng một mục tiêu ở độ cao như vậy.
Ngày 15/9, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản thông báo Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Tên lửa này đạt độ cao 770 km và bay được quãng đường 3.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Chuyên gia Cirincione nhấn mạnh: “Đó là hàng trăm km, quá cao so với hệ thống đánh chặn Aegis được triển khai trên tàu hải quân ngoài khơi Nhật Bản. Thậm chí còn cao hơn đối với hệ thống THAAD ở Hàn Quốc và Guam. Nó cũng quá cao so với hệ thống Patriot tại Nhật Bản”.
Theo ông, hầu như không có cơ hội để bắn trúng một tên lửa đang bay của Bình Nhưỡng trừ khi có một tàu Aegis được triển khai ở khoảng cách rất gần so với điểm phóng, có lẽ là nằm trong vùng biển Triều Tiên. Ngay cả như vậy, hệ thống đánh chặn Aegis vẫn phải rượt đuổi theo quả tên lửa, một cuộc đua mà nhiều khả năng nó sẽ thất bại.
“Trong tình huống chỉ có 1 hoặc 2 phút thời gian cảnh báo, khả năng đánh chặn thành công giảm xuống gần bằng 0”, chuyên gia người Mỹ viết.
Đối với phần lục địa Mỹ, các hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD) đã được triển khai tại Alaska và California. Hệ thống này được thiết kế nhằm tấn công các mục tiêu đang bay, bao gồm cả trên không gian. Tuy nhiên, GMD lại chưa hoạt động hoàn toàn và mới chỉ tiêu diệt được 50% mục tiêu trong thử nghiệm. Thật khó để dự đoán hệ thống này sẽ hoạt động ra sao trong điều kiện thực tế, bao gồm việc chống lại một quả tên lửa trang bị biện pháp đối phó với các hệ thống đánh chặn.
Trước đó, trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9, ông Donald Trump tuyên bố: “Chúng ta không có lựa chọn nào ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”. Ông cho rằng chương tình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng “đe dọa toàn thế giới với sự mất mát sinh mạng con người không thể tưởng tượng nổi”.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng “phi hạt nhân hóa là tương lai duy nhất được chấp nhận” đối với Triều Tiên. Theo giới phân tích, lời đe dọa này sẽ không những không thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ động cơ phát triển các vũ khí hạt nhân, mà có thể tạo ra tác dụng ngược.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức

>> xem thêm

Bình luận(0)