Rodrigo Duterte: “Donald Trump của Philippines”?

Google News

(Kiến Thức) - Theo báo Pháp Libération, Thị trưởng Davao Rodrigo Duterte là “Donald Trump của Philippines” và đang làm đảo lộn “ván cờ chính trị” ở nước này.

"Donald Trump của Philippines"
Nhật báo Libération cho rằng ứng viên “gây sốc” Rodrigo Duterte – một luật gia 71 tuổi, có một vợ, bốn con và hai nhân tình – hiện đang ở ngay “trước cửa dinh tổng thống” Philippines.
Ung vien
Thị trưởng Rodrigo Duterte trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Philippines. Ảnh Reuters 
Giống Donald Trump, ứng viên Rodrigo Duterte cũng có những ngôn từ quá đáng, không mấy “lịch sự” trong suốt quá trình vận động tranh cử. Ông này cam kết “quét sạch” đám tội phạm, trộm cắp khỏi đất nước, tuyên bố sẵn sàng tử hình những đứa con nào của ông có dính dáng đến ma túy, hay quá đáng hơn là lấy làm tiếc là đã không tham gia một vụ hiếp dâm tập thể một nhà truyền giáo người Australia mà ông cho là quá “gợi tình”...
Theo tường thuật của thông tín viên Libération tại Manila, sở dĩ ông Duterte thu hút được cảm tình của đông đảo người dân là do các chính phủ Philippines đã không giải tỏa được tâm trạng bất an của công chúng về tình trạng tội phạm và bất công. Dưới thời tổng thống Aquino III, tuy kinh tế có khá hơn, nhưng những người dân thuộc tầng lớp thấp trong xã hội lại không được hưởng thụ những thành quả kinh tế đó. Nắm bắt được yếu tố tâm lý này, ông Duterte đã có những biện pháp vận động tranh cử khác biệt so với các ứng viên khác.
Những vấn đề gai góc chờ đợi tân Tổng thống Philippines
Nhật báo Libération cũng có bài viết khác liệt kê những vấn đề được cho là “rất nhạy cảm” đang chờ đợi tân Tổng thống Philippines kế nhiệm Tổng thống Aquino III.
Vấn đề đầu tiên là mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Những căng thẳng đó có từ những năm 1980, nhưng đã thật sự trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2012, sau khi Trung Quốc chiếm giữ bãi đá ngầm Scarborough, vùng đánh bắt truyền thống của người Philippines và bắt đầu các công trình cải tạo. Manila nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động được cho là “gây hấn” của Trung Quốc và thậm chí đã kiện Bắc Kinh ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague. La Haye. Phán quyết của PCA sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới.
Tiếp đến là vấn đề những người Hồi giáo đòi ly khai. Họ chính là hậu duệ của các thương nhân Arập khai phá vùng Bangsamoro ở đảo Mindanao, phía nam Philippines, từ thế kỷ 14. Gần đây, chính quyền của Tổng thống Aquino III đã đạt được một thỏa thuận với Mặt trận Giải phóng Quốc gia Hồi Giáo để chấm dứt cuộc chiến tranh du kích kéo dài từ gần nửa thế kỷ nay, cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người.
Theo thỏa thuận, chính phủ cam kết trao quyền tự trị cho khu vực này, bao gồm cả nghị viện và cảnh sát. Nhưng đạo luật đã bị chặn lại tại Quốc hội Philippines từ nhiều tháng nay. Giáo sư Yves Boquet - chuyên gia về Trung Quốc và Philippines tại trường đại học Bourgogne-Franche-Comté - giải thích rằng người Philippines công giáo “vẫn còn nhiều ngờ vực về cộng đồng người Hồi giáo”. Do đó người kế nhiệm Tổng thống Aquino III “sẽ phải đối phó với vấn đề gai góc này”.
Cuối cùng là vấn đề xóa nạn nghèo đói. Philippines là một trong những quốc gia Châu Á có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất. Tỷ lệ tăng trưởng tuy khá cao (5,8% trong năm 2015), nhưng 5% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói, 15% chỉ vừa đủ mua nhu yếu phẩm và trong khi gạo là nguồn thực phẩm chính thì mức giá vẫn tăng đều.
Trong khi đó, tỷ lệ lao động thời vụ và thất nghiệp vẫn cao ở giới trẻ (khoảng 25%). Nền kinh tế Philippines vẫn sống dựa vào nguồn ngoại tệ gởi từ lực lượng lao động xuất khẩu khắp toàn cầu. Đó là còn chưa kể đến đảo quốc này luôn phải đối phó với các thiên tai. Tân tổng thống Philippines sẽ phải chuẩn bị cho việc giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của đất nước trước những hậu quả của biến đổi của khí hậu có nguy cơ gia tăng trong tương lai.
Minh Châu (TH)

Bình luận(0)