Philippines tìm cách chấm dứt sự lệ thuộc vào Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Ban lãnh đạo mới ở Manila đang tìm cách chấm dứt sự lệ thuộc vào Mỹ và đi theo hướng cân bằng lợi ích của đất nước Philippines.

Trong một tuyên bố hôm 6/10, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã khiển trách mạnh mẽ đồng minh lâu năm Mỹ, giữa lúc Tổng thống Rodrigo Duterte đang theo đuổi chính sách đối ngoại mới.
Ông Yasay chỉ trích Mỹ dùng “sợi dây xích vô hình” kiềm chế Philippines và coi nước này là một “người anh em da nâu nhỏ bé không có khả năng độc lập và tự do thật sự”. Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói: "Thoát khỏi sự phụ thuộc cùm chân Philippines để giải quyết hiệu quả cả các mối đe dọa an ninh ở trong và ngoài nước đã trở thành bắt buộc, thông qua việc chấm dứt việc đặt lợi ích dân tộc bên dưới lợi ích của Mỹ”.
Tuyên bố thẳng thừng bất thường của Ngoại trưởng Yasay đi kèm với việc Tổng thống Duterte đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng minh hiệp ước lâu năm là Mỹ, vào thời điểm Washington đang tìm cách biến Philippines thành một đối tác quan trọng ở châu Á để chống Trung Quốc.
Philippines tim cach cham dut su le thuoc vao My
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần mạt sát Tổng thống Mỹ Barack Obama.  Ảnh CNN Philippines
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần mạt sát Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hồi đầu tuần này, ông Duterte cho biết Philippines sẽ "chia tay" với Mỹ cũng như xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc.
Những tuyên bố trên được đưa ra, sau khi ông Duterte tại vị 3 tháng trên cương vị Tổng thống Philippines và bị Mỹ, Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc chỉ trích về cuộc chiến chống ma túy khiến cho 3.000 người bị giết mà không qua xét xử. Cuối tuần qua, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ cảm thấy "hạnh phúc” khi tiêu diệt 3 triệu kẻ sử dụng ma túy ở Philippines.
Ba tháng sau khi lên nhậm chức Tổng thống Philippines, 76% người dân Philippines bày tỏ "hài lòng" với hiệu suất công tác của ông Duterte, theo cuộc thăm dò được tiến hành hôm 6/10.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 6/10, Tổng thống Duterte tuyên bố nếu không thích “cuộc chiến chống ma túy” của ông, Mỹ và Liên minh Châu Âu có thể cắt giảm viện trợ và Philippines sẽ không cầu xin sự bố thí.
Mặc dù Mỹ đã cung cấp hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự cho Philippines trong những năm qua, Tổng thống Duterte vẫn tuyên bố cuộc tập trận chung với Mỹ bắt đầu trong tuần này sẽ là cuộc tập trận cuối cùng và đe dọa để tiếp cận với Nga và Trung Quốc để mua vũ khí.
Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Duterte có thực sự biến những lời đe dọa của ông thành chính sách và liệu ông ta có thực thi chính sách này bất chấp sự chống đối của quân đội Philippines. Các quan chức Mỹ nói rằng những lời đả kích cay độc của Tổng thống Duterte vẫn chưa tác động đến mối quan hệ quân sự Philippines-Mỹ, mặc dù bày tỏ lo ngại về ngôn từ của ông này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với các phóng viên trong cuộc tập trận quân sự chung trong tuần này rằng Các lực lượng vũ trang (Philippines) cần đến sự viện trợ của Mỹ và hưởng lợi từ mối quan hệ Mỹ-Philippines. Ông Lorenzana nói rằng Tổng thống Duterte không được “thông tin đầy đủ”, chính xác về quan hệ quân sự Mỹ-Philippines. Ông nói thêm: "Có thể, Bộ Quốc phòng và Các lực lượng vũ trang Philippines đã bất cẩn trong việc cung cấp cho ông (Duterte) thông tin chính xác. Chúng ta sẽ giải quyết điều này trong những ngày tới".
Tổng thống Duterte đã cho biết ông sẽ không bãi bỏ Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 giữa hai nước, nhưng ông đã đặt câu hỏi nghi vấn Hiệp ước Quốc phòng Tăng cường được ký kết giữa Mỹ và Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino.
Hiệp ước Quốc phòng Tăng cương thiết lập các cơ sở lưu trữ cho các hoạt động hàng hải, nhân đạo và đối phó thiên tai. Nó cũng cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines.
Minh Châu (Theo DW)

>> xem thêm

Bình luận(0)