Philippines mắc kẹt trong thế đối đầu Trung-Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Liệu tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, trong bối cảnh đối đầu Trung-Mỹ gia tăng ở Đông Nam Á?

Tác giả Daljit Singh - nhà nghiên cứu cao cấp và điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu chiến lược và chính trị khu vực của Viện Yusof Ishak (ISEAS) – đã đặt ra câu hỏi như trên trong bài viết dành cho tờ Straits Times của Singapore.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp Daljit Singh, quan hệ Mỹ-Philippines đang ở vào thời kỳ khó khăn. Ngày 10/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói thẳng: "Tôi không phải là một fan hâm mộ Mỹ ... Trong mối quan hệ của chúng ta với thế giới, Philippines sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập”. Phát ngôn viên của ông Duterte cũng tái khẳng định sự cần thiết phải vạch ra một hướng đi mới cho chính sách đối ngoại độc lập của Philippines.
Philippines mac ket trong the doi dau Trung-My o Dong Nam A
Tổng thống Philippines bị mắc kẹt trong thế đối đầu Trung-Mỹ ở Đông Nam Á, Ảnh rappler.com 
Vậy tuyên bố nói trên của Tổng thống Duterte có ý nghĩa gì? Và điều gì đã khiến ông tuyên bố thẳng thừng như vậy?
Ngoài động cơ cá nhân chống lại người Mỹ và lỗi lầm của họ trong thời kỳ đô hộ Philippines hồi nửa đầu thế kỷ 20, Tổng thống Duterte còn muốn Trung Quốc đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng để củng nền kinh tế Philippines. Ông Duterte muốn thỏa thuận với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông nhưng không ảnh hưởng đến chủ quyền và độc lập của Philippines.
Đây quả là điều không mấy dễ dàng bởi vì Trung Quốc vẫn duy trì lập trường quyết đoán trên Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye có lợi cho Philippines. Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến quân sự trên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa và không có gì đảm bảo rằng nước này sẽ không tìm cách bồi đắp, quân sự hóa bãi cạn Scarborough sát nách Philippines.
Trung Quốc có thể đang tìm kiếm một cái giá chính trị đáng kể cho một thỏa thuận với Philippines, trong đó có thể bao gồm việc Philippines xa lánh các mối quan hệ quốc phòng với Mỹ. Quân đội Philippines, vốn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ, sẽ chống lại một sự nhượng bộ như vậy.
Hiện thời, không có triển vọng chấm dứt hoặc giảm quyền truy cập của quân đội Mỹ vào các căn cứ của Philippines, điều đã được thỏa thuận trong Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường được ký năm 2014 và có thời hạn 10 năm.
Tổng thống Duterte đã nói rằng ông sẽ tuân thủ các thỏa thuận. Tuy nhiên, quan hệ song phương Philippines-Mỹ có khả năng trở nên căng thẳng hơn nữa, khi những lời chỉ trích của ông Duterte vấp phải quyết tâm sắt đá của Quốc hội Mỹ vốn không chịu im lặng trước những vi phạm nhân quyền và có thể xem xét lại viện trợ cho Philippines.
Các thành phần thiết yếu đối với an ninh ở Đông Á và Đông Nam Á là cân bằng quyền lực, luật pháp quốc tế và hoạt động của các tổ chức hợp tác an ninh như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Cả ba thành tố nói trên đều quan trọng, nhưng nếu không có một sự cân bằng cơ bản về quyền lực, hai thành tố còn lại sẽ không có hiệu quả trong môi trường chiến lược hiện nay.
Như cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói, chỉ có Mỹ mới có thể cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, do tâm trạng hướng nội của công chúng Mỹ vì kinh tế tăng trưởng chậm, ngân sách hạn hẹp, các cuộc chiến “hao người tốn của” kéo dài ở Trung Đông và những ảnh hưởng bất lợi của quá trình toàn cầu hóa..., các nước trong khu vực cần tạo điều kiện cho sự hiện diện của Mỹ bằng cách giúp các nhà lãnh đạo chính trị ở Washington dễ dàng hơn trong việc thuyết phục dân chúng.
Từ năm 1992, tuy không phải là đồng minh của Mỹ nhưng Singapore đã chứa chấp Nhóm hậu cần Tây Thái Bình Dương (Logistic Group Western Pacific), sau khi Mỹ phải di dời các căn cứ quân sự khỏi Philippines. Hàn Quốc và Nhật Bản (vốn là đồng minh của Mỹ) còn làm nhiều hơn thế. Hai nước này không chỉ cung cấp các căn cứ cho quân đội Mỹ, mà còn trả một khoản tiền lớn cho việc duy trì Các lực lượng Mỹ ở nước họ.
Đáp ứng mong đợi của người Mỹ về "chia sẻ gánh nặng" là yếu tố quan trọng đằng sau những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản để phối hợp với các nước đồng minh, đặc biệt là Mỹ, trong chiến lược "phòng vệ tập thể". Việc Nhật Bản tích cực tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã được thúc đẩy đáng kể bởi sự cần thiết của việc duy trì sự can dự của Mỹ đối với khu vực.
Việc giành quyền truy cập vào các căn cứ của Philippines là rất quan trọng đối với quân đội Mỹ vì các căn cứ ở Nhật Bản và Guam cách Đông Nam Á quá xa. Các nước Đông Nam Á khác lại chưa sẵn sàng để cho quân đội Mỹ tiếp cận vì không muốn làm mất lòng Trung Quốc.
Vốn nhiều năm làm thị trưởng của một tỉnh lẻ cách xa thủ đô Manila, Tổng thống Duterte là một nhân tố mới trong chính sách đối ngoại và quan hệ chiến lược của Philippines. Nhưng ông Duterte đang học và sẽ hiểu được sự cần thiết phải đưa ra quyết định chính sách đối ngoại phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước.
Sức mạnh quân sự của Philippines là rất nhỏ và nước này chỉ có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 300 tỷ USD, tương đương với GDP của đảo quốc Singapore nhỏ bé. Nếu không có sự hiện diện chiến lược của Mỹ, Trung Quốc rõ ràng sẽ thống trị khu vực, với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng và GDP lên tới 10 nghìn tỷ USD.
Liệu một môi trường chiến lược như vậy có mang lại cho Tổng thống Philippines không gian thuận lợi để theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn?
Đây quả là một câu hỏi khó đối với ông Duterte, người đang tìm cách giữ thăng bằng trong quan hệ giữa hai cường quốc lớn cạnh tranh nhau ở Đông Nam Á  là Trung Quốc và Mỹ.
Minh Châu (Theo Straits Times)

Bình luận(0)