Phiến quân IS rút về sa mạc xây dựng lại lực lượng

Google News

Sau khi để mất các thành trì ở Iraq và Syria, phiến quân IS có thể sẽ rút sâu vào sa mạc để tập hợp lực lượng và chờ ngày tái sinh như al-Qaeda.

Nhiều chuyên gia cho rằng các chiến binh dòng Sunni của "Vương quốc Hồi giáo" tự xưng có thể đã bị đánh bại nhưng việc để mất lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq không đồng nghĩa với sự diệt vong của IS.
Về lại sa mạc, nơi sản sinh ra IS
Bên ngoài các đô thị và khu dân cư là Sa mạc Syria rộng lớn, được biết đến với tên gọi Badiyat al-Sham, nổi tiếng với những hang động và ngọn núi trập trùng. Vùng đất này trải rộng trên 500.000 km2 dọc theo khu vực đông nam Syria, đông bắc Jordan, phía bắc Saudi Arabia và phía tây Iraq.
Phien quan IS rut ve sa mac xay dung lai luc luong
Bị đánh bật khỏi Syria và Iraq, phiến quân IS rút về sa mạc xây dựng lại lực lượng. (Nguồn: inforwars) 
Khu vực hoang vắng này là nơi ẩn náu hoàn hảo và là ngôi nhà thứ 2 của nhiều phiến quân IS từ khi vương quốc Hồi giáo chưa thành hình.
Các chuyên gia ước tính sẽ phải điều động hàng trăm nghìn binh lính để thực hiện các hoạt động truy lùng và phải rót thêm quân số lớn hơn nếu muốn kiểm soát vĩnh viễn vùng sa mạc.
Một khi lực lượng IS biến mất vào sa mạc và hàng chục nghìn binh sĩ từ liên quân các nước không còn hiện diện, các phần tử thánh chiến sẽ lại tổ chức các cuộc tấn công theo kiểu du kích như tấn công chớp nhoáng và đánh bom liều chết.
"Chúng ưa chiến đấu trên sa mạc và sẽ quay trở lại phương cách cũ", Omar Abu Laila, nhà hoạt động đối lập tại tỉnh Deir Ezzor thuộc Syria, nói với AP.
Các lãnh đạo IS có vẻ đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng để tập hợp lực lượng giữa sa mạc và tiến hành các cuộc tấn công. Điều này tương tự như những gì mà al-Qaeda ở Iraq, tiền thân của IS, đã làm hơn 1 thập kỷ trước, sau cuộc xâm lược năm 2003 do Mỹ dẫn đầu.
Một số kế hoạch dự phòng đã bắt đầu được thực hiện. Tại thị trấn Mayadeen, phía đông Syria, nơi từng là pháo đài của IS, các chiến binh đã rút khỏi và biến mất vào sa mạc chỉ vài ngày sau trận chiến với các lực lượng chính phủ Syria đầu tháng này.
Brett McGurk, đặc sứ hàng đầu của Mỹ trong liên minh chống IS, nói rằng nhóm chiến binh Sunni chỉ còn 10% lãnh thổ mà chúng từng nắm giữ ở Iraq và Syria.
Nhóm này vẫn tiếp tục duy trì sức hút đối với người Hồi giáo Sunni, những người bất mãn với sự phân biệt đối xử của chính quyền Iraq do người Hồi giáo Shiite dẫn đầu cũng như giáo phái Alawite của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một nhánh của Hồi giáo Shiite.
IS cũng sẽ tìm cách tận dụng thời gian và hưởng lợi từ các xung đột chính trị như các cuộc đụng độ trong tháng này giữa lực lượng Iraq và người Kurd sau cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd. Tuần trước, Trung tướng Paul Funk của quân đội Mỹ tại Iraq, cho biết xung đột này đã chuyển hướng các nguồn lực vốn dùng để đối phó với IS.
Quân đội Iraq, dân quân Shiite và lực lượng người Kurd đã đánh bật IS khỏi gần như toàn bộ Iraq. Nếu họ mâu thuẫn với nhau thì điều này có thể khiến các phần tử cực đoan có cơ hội trở lại.
Một biến động tương tự cũng đang đe dọa những thành quả mới đạt được ở Syria. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và quân đội chính phủ do Nga hậu thuẫn, các lực lượng đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chiến chống IS, đang tiến hành các cuộc tấn công riêng rẽ ở Deir-ez-Zor và có nguy cơ xung đột lẫn nhau.
Khi những con sói không còn gì để mất
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, gọi việc giải phóng Raqqa của SDF là "bước ngoặt" trong cuộc chiến chống IS nhưng cảnh báo rằng liên minh cần giữ tập trung.
"IS đang tìm cách gây dựng lại lực lượng và nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo chúng không thể phục hồi", Dunford nói.
Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ rất khó khăn. Dana Jalal, nhà báo người Iraq theo sát các nhóm thánh chiến ở Trung Đông, cho biết IS "sẽ trở thành một tổ chức khủng bố ngầm".
"Những con sói đơn độc không có gì để mất. Chúng không còn gì để phải che chắn nữa", Jalal nói.
Năm 2007, al-Qaeda, tiền thân của IS, đã gần như bị lực lượng Mỹ và Iraq đè bẹp. Tuy nhiên, sau khi người Mỹ rút khỏi Iraq vào năm 2011, các chiến binh đã tập hợp lại và nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào mùa hè năm 2014 sau khi chiếm được các khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq.
Mutlu Civiroglu, một nhà phân tích về vấn đề người Kurd đang theo dõi cuộc chiến chống IS, nói rằng IS sẽ lại tìm được "căn cứ ủng hộ trong cộng đồng Sunni ở Iraq", nơi sự bất mãn với chính phủ dâng cao.
Sau khi mất lãnh thổ ở Syria và Iraq, IS sẽ nỗ lực tăng cường sự hiện diện tại Libya, Yemen, Afghanistan, Bắc Phi và các nơi khác. Việc IS "thực hiện hoặc truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới cho thấy tầm nhìn toàn cầu của tổ chức này", ông nói.
Nhóm này cũng sẽ trở lại với vũ khí quen thuộc của mình: các cuộc tấn công tự sát.
Đầu tháng này, một cuộc tấn công tự sát đã giết chết gần 20 người tại một đồn cảnh sát Damascus. Vào cuối tháng 9, các tay súng IS xuất hiện từ sa mạc và tấn công lực lượng chính phủ ở trung tâm Syria, cắt nguồn tiếp tế của họ trong nhiều ngày. IS cũng đã tiến hành các cuộc tấn công chết người ở thủ đô Baghdad của Iraq và tỉnh Anbar, miền Tây Iraq.
"Những căn cứ tức giận vì bị chặt đứt mà nhóm này từng khai thác vẫn còn đó. Vậy nên loại bỏ được đế chế Hồi giáo không có nghĩa đã thoát khỏi mối đe dọa do nhóm này gây ra", Civroglu nói.
Theo Tuyết Mai/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)