Nhà lãnh đạo Kim Jong-un lấy gì nuôi sống Triều Tiên?

Google News

Trong bối cảnh bế quan tỏa cảng, cấm vận nghiêm ngặt như hiện nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lấy gì để nuôi sống Triều Tiên?

Video nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo tập trận quy mô lớn (Nguồn video VTC):

Trong bối cảnh Triều Tiên bất chấp mọi lời kêu gọi và khuyên giải của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng, tự ý tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa Quang Minh Tinh, không ai nghi ngờ việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ thông qua nghị quyết mới về trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt được coi là mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên trong vòng 20 năm trở lại đây có cường độ như thế nào?
Hơn 1 thập kỷ qua, dường như Triều Tiên đã “chai lì” trước các đợt trừng phạt như vũ bão của Mỹ và cộng đồng quốc tế, thậm chí hầu hết những người từng đặt chân lên mảnh đất Triều Tiên trong vài năm trở lại đây đều cho rằng, kinh tế Triều Tiên đã có nhiều cải thiện, cho dù là giới thượng lưu hay dân thường, đa số nguồn vật tư được cung ứng dồi dào hơn trước khá nhiều.
Tuy nhiên sau khi phân tích sơ bộ toàn văn nghị quyết có thể thấy: Đây không chỉ là lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất sau khi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bùng nổ, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả lệnh trừng phạt dành cho Iraq sau khi quốc gia này xâm lược Kuwait, trở thành lệnh trừng phạt cứng rắn nhất trong lịch sử chế tài quốc tế do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi nghị quyết 2270 được công bố, rất có thể đánh dấu việc vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã kéo dài hơn 20 năm sắp bước vào giai đoạn cuối “ngả bài”.
Bị cấm vận mà vẫn “sống khỏe”?
Công bằng mà nói, kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có một số nỗ lực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, chính sách cơ bản kế thừa phương châm điều chỉnh được áp dụng ở cuối thời kỳ nhà lãnh đạo Kim Jong Il nắm quyền. Xét về tổng thể khá bình ổn, không còn xuất hiện những tin giật gân như “đổi tiền”.
Nha lanh dao Kim Jong-un lay gi nuoi song Trieu Tien?
Ông Kim Jong-un trong một buổi thị sát ở nông trường chăn nuôi của Triều Tiên. 
Do đó mới xuất hiện cục diện kinh tế Triều Tiên vài năm gần đây phục hồi chậm, xã hội có xu hướng ổn định. Đơn cử là vấn đề cung ứng thực phẩm được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất, sau khi Triều Tiên nỗ lực mở rộng một số công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn cung cấp phân hóa học có nhiều cải thiện, tiếp tục thực hiện chính sách khoán hộ trong nông nghiệp, từ năm 2010 trở đi, dưới sự viện trợ không nhiều của cộng đồng quốc tế, về cơ bản sản lượng lương thực của Triều Tiêu cũng đáp ứng được nhu cầu của người dân trong nước.
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là, với vai trò là một quốc gia đang phát triển chỉ có 25 triệu dân, cho dù xét về trình độ khoa học kỹ thuật, lĩnh vực công nghiệp hay sự phong phú của nguồn tài nguyên, đều không thể có đủ khả năng tách khỏi vòng tuần hoàn quốc tế, độc lập duy trì một hệ thống kinh tế cận hiện đại. Trong tổng kim ngạch thương mại xuyên quốc gia lên tới vài chục nghìn tỉ USD của toàn cầu, tỉ lệ của Triều Tiên gần như không đáng kể. Tuy nhiên đối với Triều Tiên, mảng thương mại này lại không thể thiếu.
Thập kỷ 90 thế kỷ XX, phe Liên Xô, Đông Âu – đối tác thương mại chủ yếu của Triều Tiên bị tan rã, kim ngạch thương mại đối ngoại của Triều Tiên đạt 4,21 tỷ USD năm 1990, sau đó sụt giảm liên tiếp, đến năm 1998 giảm xuống mức thấp nhất là 1,442 tỷ USD, khiến nền kinh tế Triều Tiên thời điểm đó gần như tê liệt hoàn toàn. Còn hiện tại, e là tiềm lực kinh tế của Triều Tiên còn không mạnh bằng cuối thập kỷ 1980.
Đứng trước nghị quyết số 2270 của Liên hợp quốc, có thể Triều Tiên sẽ phải trả cái giá nào khi kiên trì theo đuổi vị thế của một quốc gia hạt nhân? Và quốc gia này có chịu được được cái giá đó?
Mặc dù Triều Tiên rất ít công bố số liệu kinh tế đáng tin cậy, nhưng dựa vào nguồn tư liệu do các đối tác thương mại quan trọng của Triều Tiên công khai, số liệu xuất nhập khẩu của Triều Tiên vẫn khá rõ ràng. Bắt đầu từ năm 1991, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, kim ngạch trao đổi thương mại Trung – Triều vài năm gần đây chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên – trên hầu hết các phương tiện truyền thông, con số này lên tới 90%, tuy nhiên số liệu này chưa chính xác, vì đây là kết quả dựa vào số liệu thống kê của Hàn Quốc, số liệu này không tính kim ngạch trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên (Hàn Quốc coi hoạt động trao đổi thương mại Hàn Quốc – Triều Tiên là “thương mại trong nước đặc biệt). Do đó dựa vào cơ cấu thương mại Trung Quốc và Triều Tiên là có thể phân tích một cách chính xác trụ cột chủ yếu của kinh tế Triều Tiên và mức độ lệ thuộc của Triều Tiên vào bên ngoài.
Theo số liệu công khai của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2015, kim ngạch thương mại song phương của Trung Quốc với Triều Tiên đạt 5,511 ti USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đạt 2,945 tỷ USD, kim ngạch Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,565 tỷ USD. Cộng với kim ngạch thương mại Hàn Quốc – Triều Tiên 2,713 tỷ USD do Hiệp hội thương mại Hàn Quốc công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hàn Quốc và Triều Tiên năm 2015 đạt khoảng 8-9 tỷ USD.
Và theo dự đoán của Tổng cục thống kê Hàn Quốc, năm 2015, tổng thu nhập quốc gia (GNI) của Triều Tiên đạt khoảng 30 tỷ USD. Dựa vào kết quả này có thể thấy, mặc dù đóng cửa, nhưng tỉ lệ của thương mại trong nền kinh tế quốc dân không thấp, đạt khoảng 27% - 30%.
Và theo số liệu của một cơ quan quyền uy khác – Cơ quan thống kê Liên hợp quốc, năm 2014, GDP của Triều Tiên chỉ đạt 17,4 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của năm đó vượt 9,4 tỷ USD, thương mại đối ngoại chiếm tỉ lệ trên 50% trong ngành kinh tế quốc dân. Mặc dù tỉ lệ này có phần cao, nhưng qua các số liệu thống kê ta vẫn có thể khẳng định mức độ phụ thuộc của kinh tế Triều Tiên vào nước ngoài rất lớn.
Nha lanh dao Kim Jong-un lay gi nuoi song Trieu Tien?-Hinh-2
Đường phố Triều Tiên.
Có thể thấy, các mặt hàng chính Triều Tiên nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm cơ điện, sản phẩm công nghiệp dầu khí, phương tiện giao thông và linh kiện, dầu thành phẩm và một số thực phẩm. Điều này có thể phản ánh một sự thật - ngành công nghiệp và nông nghiệp của Triều Tiên còn kém phát triển, quốc gia này buộc phải lệ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo cho sự vận hành bình thường của cả xã hội và nền kinh tế. Khi mất đi sự bổ sung này, xác suất kinh tế Triều Tiên gặp phải những vấn đề lớn sẽ khá cao.
Ngoài ra, các số liệu trên còn chưa bao gồm dầu thô, theo thống kê số liệu xuất khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ năm 2014, số dầu thô xuất khẩu sang Triều Tiên luôn là con số không.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu một lượng dầu thành phẩm không nhiều (Cả năm chỉ đạt hơn 100 triệu USD) sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu tối thiểu của Triều Tiên đối với “huyết mạch ngành công nghiệp”, chắc chắn quốc gia này còn phải dựa vào nguồn viện trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, nghị quyết số 2270 không gia tăng số lượng mặt hàng nhập khẩu cần hạn chế đối với Triều Tiên. Vì Trung Quốc và Nga kiên quyết phản đối lệnh trừng phạt khiến “xã hội Triều Tiên sụp đổ” nên cuối cùng Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chỉ mở rộng phạm vi cấm vận ra các loại vũ khí, thiết bị và công nghiện liên quan trực tiếp đến hoạt động vũ khí hạt nhân và các loại nhiên liệu hàng không, tên lửa. Những mặt hàng này không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân Triều Tiên.
Đồng thời, do xem xét đến sự ảnh hưởng lớn đối với đời sống dân sinh Triều Tiên, có thể Trung Quốc cũng sẽ không ngừng nguồn cung dầu mỏ cho Triều Tiên, nhưng cắt giảm ở một mức độ nhất định là điều không thể tránh khỏi.
Sức mạnh của nghị quyết 2270
Trọng tâm của nghị quyết số 2270 nằm ở chỗ lần đầu tiên đưa các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Triều Tiên và phương thức vận chuyện, kênh vận hành tiền tệ vào phạm vi trừng phạt. Trước đây các biện pháp này kể cả được thực thi độc lập, cũng luôn vấp phải sự phản đối của Trung Quốc và Nga, tuy nhiên lần này lại được thông qua, uy lực tổng hợp chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Có thể thấy, Triều Tiên chủ yếu xuất khẩu khoáng sản và các sản phẩm sơ chế, nhưng khoáng sản vẫn là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Triều Tiên. Than là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của quốc gia này, trong bối cảnh thị trường than toàn cầu xuống dốc như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu than của Triều Tiên vẫn đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có ý nghĩa với nền kinh tế non yếu của nước này.
Nha lanh dao Kim Jong-un lay gi nuoi song Trieu Tien?-Hinh-3
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang phải trả giá đắt cho hành vi "một mình một ngựa" của mình?
Tuy nhiên theo nghị quyết mới, không chỉ các loại khoáng sản quan trọng nhất của Triều Tiên hiện nay – than và sắt bị đưa vào danh sách cấm tiêu thụ (ngoại trừ mục đích dân sinh), mà một số loại khoáng sản quan trọng khác như Vanadi, Titan, đất hiếm và vàng cũng bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu hoàn toàn (thậm chí không được lấy lí do vì mục đích dân sinh để xuất khẩu. Sau khi quy định này được các nước thành viên thông qua, có thể nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên đã bị giảm đi một nửa.
Ngoại việc trực tiếp cấm vận một số sản phẩm, độ mạnh của lệnh trừng phạt đối với ngành tài chính của Triều Tiên cũng đạt mức kỷ lục trong hơn 20 năm trở lại đây. Theo nghị quyết số 2270, các nước sẽ đóng cửa cơ quan tài chính của Triều Tiên đóng tại nước mình trong vòng 90 ngày, ngoài nhu cầu của hoạt động viện trợ nhân đạo, cấm vận hạt nhân và hoạt động ngoại giao, tạm dừng hoạt động kinh doanh hoặc đóng cửa cơ quan tài chính của nước sở tại tại Triều Tiên.
Điều này đồng nghĩa với việc gần như mọi mối liên hệ về tài chính giữa Triều Tiên với bên ngoài như ngân hàng, bảo hiểm... đều bị cắt đứt, mức độ trừng phạt thậm chí còn mạnh hơn mức trừng phạt dành cho Iran mấy năm trước đây. Dù gì thì lệnh cấm vận tài chính đối với Iran do Mỹ và các nước châu Âu phát động đơn phương dựa theo pháp luật nước mình, không được Hội đồng bảo an trao quyền, các quốc gia và khu vực khác không có nghĩa vụ tuân thủ, cũng có một số cơ quan tài chính không quan tâm đến lời đe dọa sẽ trả thù của Mỹ và châu Âu.
Ví dụ ngân hàng Kunlun của Trung Quốc đã tranh thủ thời cơ làm cầu nối thanh toán thương mại giữa Trung Quốc và Iran, thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ. Mặc dù như vậy, do những khó khăn trong khâu thanh toán, chuyển khoản, rút tiền, hoạt động thương mại đối ngoại của Iran vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, giá thành xuất nhập cũng bị đội lên rất nhiều vì các khâu trung gian, nền kinh tế quốc gia vì thế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vài năm sau, Iran buộc phải ký kết hiệp định vấn đề hạt nhân 6 bên (5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc + Đức) để đối lấy kết quả xóa bỏ lệnh trừng phạt. Cường độ chế tài về tài chính mà Triều Tiên đang phải đối mặt mạnh hơn Iran năm xưa nhiều lần.
Ngoài ra, nghị quyết số 2270 còn đưa ra những hạn chế hết sức nghiêm ngặt đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài của Triều Tiên.
Theo nghị quyết mới, các nước thành viên của Liên hợp quốc đều có nghĩa vụ kiểm tra bắt buộc đối với mọi hàng hóa bắt nguồn hoặc đi qua Triều Tiên; Tàu thuyền và mmays bay của Triều Tiên bị hạn chế nghiêm ngặt quyền vào cảng, thậm một số công ty vận tải lớn như Công ty TNHH quản lý vận tải viễn dương Triều Tiên và mọi tàu thuyền trực thuộc công ty này đều bị đưa vào danh sách nguồn tài sản bị đóng băng, bị nghiêm cấm cung cấp các dịch vụ cho Triều Tiên thuê máy bay và tàu thuyền.
Với năng lực vận tải xuyên biên giới không mạnh như hiện nay, chắc chắn Triều Tiên sẽ gặp càng nhiều khó khăn hơn.
Hiện tại nghị quyết số 2270 của Hội đồng bảo an Liên hợp đã ra lò, kế hoạch trừng phạt này gần như bao trùm trên khắp các lĩnh vực quan trọng của kinh tế Triều Tiên, nếu được các nước thực hiện nghiêm túc thì lần đầu tiên Triều Tiên phải trả cái giá đắt thực sự cho việc duy trì địa vị hạt nhân cả mình.
Đặc biệt đối với tầng lớp thượng lưu của Triều Tiên, nguồn thu ngoại tệ giảm mặc, chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới điều kiện sống đã có phần được cải thiện trong mấy năm gần đây của họ. Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên, đây sẽ là một thách thức lớn chưa từng có.
Cho dù thế nào, sau khi gần như các bên đã ngả bài, chắc chắn trong vòng 1-2 năm tới sẽ có câu trả lời cuối cùng về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và cục diện an ninh trên bán đảo này.
Theo VietTimes

Bình luận(0)