Ngôi sao chính trị của Tổng thống Erdogan còn sáng bao lâu?

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan dường như có cẩm nang tồn tại chính trị, khi vượt qua cuộc đảo chính quân sự đêm 15/7 và càng có nhiều quyền lực hơn.

Đó là nhận định của nhà văn người Mỹ Robert Bridge có trụ sở tại Moscow, trong bài viết dành cho báo mạng Russia Today  (RT) ngày 16/7/2016.
Ngoi sao chinh tri cua Tong thong Erdogan con sang bao lau?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7/2016. Ảnh Reuters 
Theo nhà văn Robert Bridge, mặc dù khét tiếng về trấn áp bất đồng chính kiến trong nước, nhưng Tổng thống Erdogan lại giành được trái tim của dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ và làm thất bại một mưu toan đảo chính của một bộ phận quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm lật đổ chính phủ của ông. Sau một đêm chiến đấu lẻ tẻ, phe đảo chính đã thất bại trong lôi kéo dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủng hộ chính phủ ở Ankara đứng về phía họ.
Tuy nhiên, chính phủ Erdogan có thể vẫn không thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Những con số về hậu quả của cuộc đảo chính quân sự vẽ một bức tranh đáng lo ngại về tình hình nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Gần 3.000 sĩ quan và binh lính đã bị bắt giữ vì tham gia đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Erdogan. Người ta cũng không rõ còn bao nhiêu quân nhân nữa có thái độ thù địch với chính quyền hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những con số này nói về mức độ đáng báo động của sự không trung thành trong quân đội thường trực lớn thứ hai của NATO, một khối quân sự 28 thành viên có thể bị buộc phải xem xét lại quan hệ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù NATO khó có thể khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng liên minh quân sự này có thể phải xem xét ưu tiên khác, giống như những gì đã làm với 50-90 vũ khí hạt nhân có tin nói được lưu trữ tại Căn cứ không quân Incirlik. Hậu quả của việc những vũ khí hủy diệt hàng loạt này rơi vào tay kẻ xấu trong trường hợp có một khoảng trống quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ là quá khủng khiếp.
Moscow chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn những sự kiện xảy ra trên biên giới phía nam của Liên bang Nga. Ngày 16/7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố: "Tình hình chính trị xấu đi cũng như các mối đe dọa khủng bố hiện tại và xung đột vũ trang trong khu vực đang làm gia tăng nguy cơ đối với sự ổn định quốc tế và khu vực". Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng Moscow sẵn sàng hợp tác với "lãnh đạo được dân bầu của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tuy nhiên, với cuộc nội chiến kéo dài ở Syria và những hành động khủng bố ghê tởm của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, một loạt các siêu cường đang ngày càng can dự vào cuộc chiến chống khủng bố.
Điều này đã gây ra áp lực to lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước không chỉ chật vật đối phó với các nhóm nổi dậy người Kurd muốn tách khỏi sự cai trị của Ankara và tạo ra một nhà nước Kurdistan mà còn đối phó với làn sóng người tị nạn Syria đang tràn ngập lãnh thổ nước này.
Khi Brussels chịu áp lực của các nước thành viên EU trong việc ngăn chặn làn sóng người tị nạn vào Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải hấp thụ “dòng chảy ngược” của những người tị nạn. Mặc dù EU đã cam kết sẽ viện trợ cho chính phủ Erdogan khoảng 6 tỷ euro (6,7 tỷ US) và một số nhượng bộ, trong đó bao gồm cả quyền của công dân Thổ Nhĩ Kỳ đi du lịch miễn thị thực tại các nước thuộc Khu vực Schengen. Đó tặng quà xa hoa của Brussels, tuy nhiên điều này cũng giống như “đút một ngón tay vào lỗ hổng khổng lồ của một con đê sắp vỡ tan trước dòng nước lũ”.
Mặc dù những người tị nạn Iraq và Syria đã góp phần cho sự gia tăng ban đầu của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, những lợi ích đó lại không nhận được sự thông cảm của tầng lớp lao động trung bình ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người vốn coi những người tị nạn là đối thủ cạnh tranh đối với công ăn việc làm vốn dành cho họ.
Theo một báo cáo của ông Kemal Kirisci, người đứng đầu dự án Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Brookings, dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đòi chính phủ ở Ankara “ ngăn chặn dòng người tị nạn” đặc biệt khi “cạnh tranh về việc làm, nhà ở và dịch vụ công ngày càng tăng lên”.
Trong khi đó, không phải tất cả những người tị nạn Trung Đông đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ đều là người tốt. Trong thực tế, những kẻ khủng bố đã trà trộn vào dòng người tị nạn này và lợi dụng thiện chí của nước chủ nhà để tiến hành các hoạt động khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ đã học được bài học này vào tháng 6/2016, khi các phần tử khủng bố đã nổ súng và nổ bom bên trong sân bay Ataturk ở Istanbul, làm chết 45 người và làm bị thương 300 người khác. Vụ tấn công khủng bố này xảy ra chỉ hai tháng sau khi một quả bom phát nổ tại trung tâm thành phố Istanbul, giết chết 5 người và làm bị thương hàng chục người khác. Các cuộc tấn công tàn bạo nhắm bào dân thường này đang tác động đáng kể vào “dây thần kinh” của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng cần phải nói rằng chính phủ Erdogan không “hoàn toàn vô tội”, nếu xét đến hành động của chính phủ này ở trong và ngoài nước. Cáo buộc đáng lo ngại nhất là chính quyền ở Ankara đã trực tiếp hoặc gián tiếp “tiếp tay cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo” bán dầu lậu qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng nói là doanh thu từ các khoản bán dầu lwuj này lên tới 500 triệu USD mỗi năm.
Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng về việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc cá nhân Tổng thống Erdogan dính líu đến hoạt động buôn lậu dầu do Nhà nước Hồi giáo cướp bóc ở Syria và Iraq, người ta không thể tin rằng các giới chức cấp cao ở Ankara lại không hề biết những gì đã xảy ra trên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở trong nước, Tổng thống Erdogan đã thẳng tay trừng trị bất cứ ai chất vấn sự cai trị độc đoán của ông. The New York Times đưa tin kể từ tháng 8/2014 đến nay, đã có 1.845 vụ án hình sự chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ xúc phạm lãnh đạo, một tội có thể bị kết án đến 4 năm tù giam. Các nhà báo cũng bị đàn áp thẳng tay, nếu dám đưa tin bất lợi cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hàng chục phóng viên đã bị mất việc làm vì dám viết bài chỉ trích chính phủ. Hai nhà báo viết cho tờ cho Cumhuriyet là Can Dündar và Erdem Gul đang phải đối mặt với án tù chung thân sau khi công bố kết quả điều tra của họ cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria chiến đấu chống lại Tổng thống Bashar Assad. Mặc dù hai nhà báo này đã trả tự do sau một lệnh của tòa án, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ thách thức phán quyết của tòa án.
Hành động độc đoán của Tổng thống Erdogan có thể là một trong nhiều lý do dẫn đến cuộc đảo chính quân sự bất thành đêm 15/7.
Sau cuộc đảo chính này, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn sẽ buộc phải thanh lọc quân đội. Nhưng chính phủ này cũng nên lắng nghe ý kiến của giới phê bình và thực hiện các biện pháp để khôi phục lại lòng tin ở nhiều người vốn đã mất niềm tin vào hành động Ankara ở trong và ngoài nước.
Nhà văn Mỹ Robert Bridge kết luận: Mặc dù ngôi sao chính trị Erdogan vẫn còn sáng, nhưng cách tốt nhất đối với ông này là chấp nhận những lời chỉ trích trong ngày hôm nay hơn lại để xảy ra một cuộc đảo chính quân sự nữa vào ngày mai.

Minh Châu (Theo RT)

Bình luận(0)