Ngoại giao: “Vũ khí bí mật” của Tổng thống Putin ở Syria

Google News

(Kiến Thức) - Có dấu hiệu cho thấy “vũ khí bí mật” của Tổng thống Putin là ngoại giao, khi Moscow không loại trừ thời kỳ “hậu Assad” trong giải pháp chính trị ở Syria.

Sự hiện diện quân sự mở rộng nhanh chóng của Nga tại Syria được nhiều nhà phân tích xem như  nỗ lực củng cố chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hơn là tấn công phiến quân IS. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy ngoại giao là "vũ khí bí mật" của Tổng thống Putin, khi Moscow đang tìm kiếm một giải pháp chính trị, trong đó có việc thành lập một chính phủ “hậu Assad” ở Syria.
Ngoai giao: “Vu khi bi mat” cua Tong thong Putin o Syria
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Nga chỉ lặp lại nét chính của một kế hoạch đã được phê duyệt về chính sách đối ngoại của Nga.
Các quan chức Nga từng nói về khả năng thay đổi chế độ Syria hiện hành và  xây dựng một chính phủ hòa hợp dân tộc trên thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các thành phần  đối lập nhất định. Thậm chí, điện Kremlin đã xem xét việc cho phép các nhóm Hồi giáo chống Assad tham gia vào một giải pháp chính trị ở Syria và khả năng bầu cử quốc hội trước thời hạn.
Bắt đầu từ chuyến thăm Sochi hồi tháng 5/2015 và hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng hy vọng nỗ lực ngoại giao mới của Nga ở Syria. Thế nhưng, chính quyền Obama đã thất vọng vì  ý định của Nga vẫn còn chưa rõ ràng.
Không tin tưởng Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện là xu thế phổ biến ở phương Tây và Trung Đông. Có nhiều ý kiến cho rằng Moscow chỉ muốn vực dậy chế độ Assad bằng cách cung cấp những phương tiện quân sự có thể giúp “đảo ngược cục diện” hiện nay. Một số nhà phê bình cho rằng nhiều quan chức Nga cũng còn không biết ý đồ thực sự của ông chủ điện Kremlin.
Bài phát biểu ngày 28/9 trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc của Thủ tướng Putin và cuộc hội kiến riêng của ông với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở New York được mong đợi sẽ cho biết nhiều hơn về những ý định của Moscow. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Nga chỉ lặp đi lặp lại các nét chính của một kế hoạch đã được phê duyệt về chính sách đối ngoại của Nga.
Tổng thống Putin nói về việc thành lập một liên minh quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo IS, theo nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với sự tham gia của quân đội Syria và các quốc gia Hồi giáo trong khu vực. Ông cũng trình bày quá trình đàm phán mới giữa chế độ Assad và phe đối lập. Điện Kremlin vẫn mạnh mẽ chống lại việc loại bỏ Tổng thống Assad là điều kiện tiên quyết để bắt đầu một cuộc đối thoại trong nội bộ Syria. Theo quan điểm của Nga, Tổng thống Assad vẫn là nhân vật duy nhất có khả năng chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và giữ cho nhà nước Syria không bị tan rã như ở Lybia.
Lập trường này khác biệt với lập trường của phương Tây và nhiều nước Trung Đông vốn coi Assad nguồn gốc của mọi vấn đề ở Syria, chứ không phải là một phần của bất kỳ giải pháp có thể nào. Điện Kremlin vẫn tiếp tục ủng hộ chế độ Assad vốn  chỉ kiểm soát một phần tư lãnh thổ  Syria.
Tuy nhiên dưới cái vẻ bề ngoài “bất di bất dịch” nói trên, lập trường của Moscow về tương lai của Syria đang có sự thay đổi. Cả Tổng thống Putin lẫn Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đều chấm dứt việc coi tất cả các lực lượng đối lập ở Syria là "những kẻ khủng bố". Điều này cho thấy rằng một số nhóm “ôn hòa” có thể được Moscow công nhận. Bộ Ngoại giao Nga gần đây đã làm rõ sự thay đổi này bằng cách tuyên bố rằng Moscow sẵn sàng đối thoại với những lực lượng ở Syria “quan tâm đến lợi ích của tổ quốc”.
Moscow cũng không còn loại trừ khả năng thay thế Tổng thống Assad. Việc Nga can thiệp quân sự Nga vào Syria có thể được xem là một cách để đảm bảo rằng Moscow sẽ có tiếng nói quan trọng trong mọi quyết định về những gì sắp xảy ra ở Syria. Điện Kremlin quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích lâu dài của Nga ở nước Trung Đông này.
Ngay cả quyết định phát động các cuộc không kích ở Syria cũng có thể là một phần của chiến lược tổng thể của Nga nhằm giải quyết cuộc xung đột Syria theo các điều kiện của Moscow. Tổng thống Putin tiếp tục nhấn mạnh giải pháp hòa bình dựa trên các cấu trúc nhà nước Syria hiện có và các tổ chức đối lập “quan tâm đến lợi ích của đất nước”.
Để thuyết phục cộng đồng quốc tế, điện Kremlin đã thông qua một cách tiếp cận hai con đường. Trên mặt trận ngoại giao, Moscow tham gia đối thoại tích cực với phương Tây và các nước Trung Đông, đặc biệt là các nước vùng Vịnh. Về mặt quân sự, sự hỗ trợ của Nga đảm bảo rằng chế độ Assad có thể cầm cự đủ lâu cho điện Kremlin để đạt được một bước đột phá mong muốn trên con đường ngoại giao.
Tổng thống Putin có thể sử dụng hành động quân sự của Nga tại Syria làm đòn bẩy quan trọng. Sự hiện diện của các lực lượng Nga tại Syria đảm bảo rằng mọi quyết định về tương lai của Syria không thể được thực hiện mà không có sự tham gia của Moscow.
Không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên mà trong vòng 48 giờ kể từ khi Nga phát động cuộc không kích ở Syria, cường độ tiếp xúc ngoại giao giữa Moscow và phương Tây đã gia tăng đột biến.
Tuy nhiên, nếu phương Tây bác bỏ sáng kiến của Tổng thống Putin, Nga sẽ tập trung củng cố chế độ Assad và tăng cường chiến dịch quân sự. Điều này có thể sẽ kéo dài cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria.
Minh Châu (Theo Reuters)

Bình luận(0)