Nga phá hỏng kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?

Google News

Việc Nga tăng cường quân sự ở Syria đã lật ngược kế hoạch của những bên khác, trong đó có Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 cho phép liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu sử dụng căn cứ không quân gần Syria và Iraq, trong đó có Incirlik, tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã làm thay đổi cuộc chơi ở khu vực. Điều này đồng nghĩa các cuộc không kích chống IS của liên quân sẽ hiệu quả và bớt tốn kém hơn.
Nga pha hong ke hoach cua Tho Nhi Ky o Syria?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (ảnh) đã cảnh báo sẽ đáp trả hành vi vi phạm không phận của Nga. 
Chỉ vài ngày sau khi phi đội đầu tiên gồm 6 chiến đấu cơ F-16 của Mỹ được triển khai tới căn cứ Incirlik đầu tháng 8, truyền thông công bố việc triển khai 6 máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound của Nga tới căn cứ không quân Mezze gần Damascus. Hiện diện quân sự của Nga ở Syria tiếp tục gia tăng sau đó, với số lượng các máy bay chiến đấu Nga được cho là lên tới 28, trong đó có máy bay chiến đấu và đánh chặn tầm xa Su-27 Flanker.
Việc Nga tăng cường quân sự ở Syria được cho là có 2 mục đích: chiến đấu chống IS và ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bằng cách này, Nga đã lật ngược các kế hoạch của những bên khác, đứng đầu trong số đó là Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những tác động bất lợi đối với Ankara đã quá rõ ràng, trong đó dẫn tới việc đảo lộn kế hoạch lập “vùng cấm bay” mà nước này đã đề xuất từ lâu.
Tháng 6/2012, sau khi một máy bay do thám của Thổ Nhĩ Kỳ bị một hệ thống phòng không bắn hạ ở Syria, Ankara công bố những quy tắc giao chiến mới, trong đó có chặn các máy bay tới gần không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ mùa hè năm 2012, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã vài lần đưa tin về những vụ máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh từ các căn cứ của nước này để truy đuổi các máy bay và trực thăng Syria bay “quá gần biên giới”. Các nhóm Hồi giáo do Ankara hậu thuẫn chiến đấu chống chế độ Assad đã xuất hiện như những đối tượng hưởng lợi ích chính từ những quy tắc giao chiến này, một vỏ bọc trên không hiệu quả cho các hoạt động quân sự và hậu cần của Thổ Nhĩ Kỳ ở các vùng biên giới.
Nga pha hong ke hoach cua Tho Nhi Ky o Syria?-Hinh-2
 Máy bay Sukhoi SU-24 của Nga tại căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia, Syria ngày 3/10. 
Tuy nhiên vừa qua, Moscow đã liên tiếp “chọc giận” Ankara khi “vô tình” để chiến đấu cơ không kích tại Syria bay lấn vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Liệu Ankara có mạnh tay thực hiện các quy tắc giao chiến mà theo Thủ tướng nước này Ahmet Davutoglu khẳng định “cho dù là con chim bay ngang (không phận Thổ Nhĩ Kỳ) cũng sẽ bị ngăn chặn”, nếu Nga tiếp tục có những hành vi xâm lấn “vô tình” được giải thích là do điều kiện thời tiết xấu?
Tương tự, dự định của Ankara thiết lập một vùng an toàn dọc đường biên giới từ Jarablus tới Azaz, bắc Syria đã hoàn toàn trở thành vô nghĩa từ khi có bàn tay can thiệp của Nga. Ngăn chặn máy bay Syria bay từ khu vực được định rõ trên là điều kiện tiên quyết cho một vùng an toàn. Vì vậy, việc Nga triển khai các máy bay chiến đấu đánh chặn ở Syria chỉ có thể được giải thích với một mục tiêu: cản trở Ankara như một bước đi đầu tiên.
Vấn đề của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt nguồn từ những ưu tiên của ông, khác biệt với những thành viên khác trong liên minh chống IS. Thổ Nhĩ Kỳ có thể mở các căn cứ không quân giúp các cuộc không kích nhằm vào IS hiệu quả và bớt tốn kém hơn, nhưng điều này không đồng nghĩa rằng chiến đấu chống IS trở thành một ưu tiên hàng đầu của ông Erdogan và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu. IS không và chưa từng là ưu tiên của hai lãnh đạo này. Minh chứng điển hình là ông Erdogan đã chờ tới tận ngày 25/9/2014 để liệt IS vào danh sách quân khủng bố.
Đối với bộ đôi Erdogan-Davutoglu, việc sử dụng các căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ chống IS đã trở thành điều kiện tiên quyết đối với việc theo đuổi sự thay đổi chế độ ở Syria, mà lần lượt đòi hỏi sự tạo ra và tuân theo vùng an toàn họ đã chủ trương từ năm 2012. Và điều gì xảy ra khi họ cuối cùng đã chấp nhận thỏa thuận mở căn cứ không quân vào tháng 7 sau nhiều tháng lưỡng lự?
Có 3 lý do được cho là dẫn tới quyết định này:
Thứ nhất, các lực lượng của Đảng liên minh dân chủ người Kurd (PYD), hoạt động dưới vỏ bọc không quân của liên minh, đã chiếm được thị trấn biên giới Tell Abyad từ tay IS hồi tháng 6. Bộ đôi Erdogan-Davutoglu được cảnh báo sẽ rơi vào thế bất lợi nếu tiếp tục trì hoãn việc hợp tác với liên minh chống IS, trong khi Liên minh Đảng Dân chủ (PYD), một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ (PKK), đã phát triển mạnh mẽ từng ngày, liên kết với liên quân.
Thứ hai, tuyến đường từ thị trấn biên giới Thổ Nhĩ Kỳ Kilis tới Aleppo của Syria – một yếu tố sống còn trong giữ vững chính sách thay đổi chế độ của Ankara – ra đời do mối đe dọa IS hồi tháng 6. Khu vực này trải dài từ biên giới Bab al-Salam xuống Aleppo được kiểm soát bởi các nhóm nổi dậy được Ankara hậu thuẫn. Chính quyền AKP cần bảo vệ lối vào Aleppo này, nếu không thì những tham vọng ở Syria sẽ hoàn toàn trở nên vô nghĩa. Vì vậy, cho phép liên quân sử dụng các căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ trở nên cấp bách để ngăn chặn IS tiến sâu vào phía đông của tuyến đường trên.
Thứ ba, PYD, được PKK ủng hộ và hỗ trợ chính, xuất hiện như đồng minh tin cậy duy nhất của Mỹ chống IS ở Syria. Với mưu đồ chính trị, Ankara tiếp tục cuộc chiến với PKK, làm suy yếu đồng minh duy nhất của Mỹ ở khu vực. Giữ các căn cứ gần với máy bay liên quân ở những tình huống này sẽ là ý tưởng rất thiếu thông minh. Nói cách khác, các căn cứ được mở ra như một khoản “tiền im lặng” cho liên quân do Mỹ dẫn đầu. Washington cho hay không trừng phạt sự tấn công dữ dội của Ankara vào PKK, từ chối bất cứ lời nói thẳng hay ngụ ý về thỏa thuận “các căn cứ cho PKK”.
Tuy nhiên, nếu cùng chung mục tiêu với liên quân coi đánh bại IS là ưu tiên hàng đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến thế khi Nga tham chiến tại Syria chống IS và đứng về phía Damascus. Vấn đề và ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là PKK, mà nước này đã chiến đấu từ khi lệnh ngừng bắn hai năm hết hiệu lực hồi tháng 7. Sau cùng, can thiệp hiện nay của Nga ở Syria đồng nghĩa rằng Ankara sẽ không thực hiện được ý muốn của mình nhiều như nước này từng kỳ vọng khi để cho liên minh chống IS sử dụng các căn cứ không quân.
Báo Tin tức

Bình luận(0)