Nga đưa quân sang Ukraine: Không phải để tấn công tổng lực?

Google News

(Kiến Thức) - Một số chuyên gia cho rằng Nga đưa quân sang Ukraine chỉ nhằm mục đích quấy nhiễu an ninh năng lượng của nước này.

Hé lộ ý đồ Nga đưa quân vào Ukraine
Đã có những thông tin về hàng đoàn xe bọc thép và vũ khí mới băng qua biên giới Nga-Ukraine. Phía Nga vẫn tiếp tục phủ nhận thông tin này. Liệu có phải thực sự sắp có một cuộc tấn công của quân ly khai? Vẫn rất khó nói. Nhiều chuyên gia có lẽ sẽ nói có khi họ xem xét những chiến lược khả thi của ông Putin. Liệu ông Putin có muốn một cây cầu đất liền nối với Crimea? Có phải ông ta muốn khiến Ukraine tiếp tục bất ổn để phá vỡ sự cải cách? Hay ông Putin tìm cách củng cố sự kiểm soát với lãnh thổ muốn ly khai? Điều này vẫn chưa được làm rõ. Nhưng điều chắc chắn là thông tin một cuộc tấn công sắp đến được nhắc lại nhiều lần.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng “số lượng các thiết bị quân sự được chuyển đến khu vực ly khai là không đủ cho một chiến dịch lớn”. Thay vào đó, âm mưu của Moscow có thể là ngăn chặn nỗ lực chiếm lại phần lãnh thổ bị phiến quân ly khai chiếm giữ của Ukraine.
Đoàn xe tăng của phe phiến quân ly khai tiến tới Donetsk.
“Một cuộc chiến nhằm gây tiêu hao nguồn lực đang diễn ra. Bất kì hành động tấn công trên quy mô lớn nào cũng đều khó xảy ra. Đối với một chiến dịch lớn ở Ukraine, quân ly khai cần có số lượng xe tăng lên đến hàng nghìn, nhưng trên thực tế hiện nay thì Nga chỉ đưa sang Ukraine số lượng ít hơn thế rất nhiều, chưa kể phần lớn trong đó chỉ là pháo”, ông Pavel Felgenhauer, nhà phân tích quân sự độc lập tại Moscow nhận định.
Một chuyên gia khác, ông Konstantin Kalachev, giám đốc Viện Chính sách Chính trị ở Moscow cũng cho rằng việc quay trở lại tấn công Ukraine sẽ có lợi cho Điện Kremlin, ông nói: “Những gì đang diễn ra hiện nay không phải là sự tăng cường lực lượng chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Nước Nga cần có sự hiện diện quân sự tại Donetsk và Lugansk với mục đích kiểm soát phiến quân ly khai và buộc các chỉ huy trên mặt trận phải hợp tác với nhau”. 
Ông Kalachev cũng cho biết, việc xây dựng lực lượng của quân ly khai cũng nhằm ngăn chặn nỗ lực chiếm lại quyền kiểm soát các mỏ than của quân ly khai từ phía Ukraine. Lý do Nga làm chuyện này một cách ồn ào là vì muốn “khiến Ukraine dừng các ý nghĩ về việc đòi lại những vùng lãnh thổ nơi có các mỏ than”.
 Bản đồ tóm lược tình hình ở miền đông Ukraine
Chỉ đứng sau khí đốt, than được Ukraine dùng để sản xuất 35% lượng năng lượng và 45% lượng điện năng. Hiện quân ly khai đã kiểm soát 88 trên 93 mỏ than của Ukraine. Vì chiến tranh, 68 trong số 88 mỏ đó đã dừng hoạt động. Hiện Ukraine chỉ có 1.7 triệu tấn than dự trữ và cần thêm rất nhiều để chống chọi qua mùa đông. Phía Kiev đang muốn mua than từ chính quân ly khai vì nó rẻ hơn là nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng phía quân ly khai lại không muốn làm vậy mà không có “đối thoại công bằng”.
Việc quay sang Nam Phi để mua than cũng rất khó thực hiện, vây nên trớ trêu là giờ đây Ukraine lại phải trông chờ vào Nga. 
Ông Yury Prodan, Bộ trưởng Than và Năng lượng Ukraine, cho biết: “Nam Phi đã từ chối tiếp tục cung cấp than cho Ukraine. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay sang các nhà cung cấp của Nga và mua than của họ. Vấn đề về nguồn cung cấp than đang rất cấp bách, an ninh năng lượng đang bị đe dọa”.
Vậy nên ngăn chặn Kiev chiếm lại các mỏ than của Donbas là lý do chính đáng để Nga tăng cường lực lượng cho phiến quân ly khai.
Phe ly khai liệu có tấn công?
Một lý do khác của việc tăng cường lực lượng quân sự đó là phía quân ly khai đã thông tin cho Moscow rằng Kiev đang chuẩn bị sẵn sàng để tấn công.
Ông Felgenhauer cho rằng phiến quân ly khai coi thỏa thuận ngừng bắn hiện tại là “sự phản bội” và đang cố kích động gây gia tăng chiến sự, ông nói: “Họ đang cố chỉ cho Điện Kremlin thấy rằng Kiev đang chuẩn bị tấn công. Và bằng cách nào đó việc này đã thành công và Nga đã gửi vũ khí sang, chủ yếu là pháo”.
Nhưng ông Felgenhauer cũng không loại trừ khả năng sẽ có một cuộc tấn công thực sự trong tương lai không xa. 
Ông này cho rằng những vũ khí đã được triển khai là “hoàn toàn không phù hợp cho một cuộc tấn công và ngay cả thời điểm này trong năm cũng không phù hợp. Về lý thuyết, có khả năng sẽ có những động thái quan trọng đầu năm 2015, trong tháng 1 hoặc tháng 2. Nhưng tôi nghi ngờ việc nó sẽ diễn ra trong mùa đông, mà sẽ nhiều khả năng là vào mùa xuân”.
Nói chung tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán. Một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vẫn còn rất khó để biết được ông Putin đang chơi một cuộc chơi lâu dài hay chóng vánh, nhưng chắc chắn là những động thái tăng cường quân sự gần đây sẽ ảnh hưởng xấu và khiến tình trạng nửa chiến tranh lạnh ở Đông Âu nóng trở lại.
Phong Đức

Bình luận(0)