Nga can thiệp quân sự ở Syria: Một năm nhìn lại

Google News

(Kiến Thức) - Nga đã đạt được mục tiêu chính của cuộc can thiệp quân sự vào Syria, nhưng việc rút khỏi cuộc chiến tốn kém này vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Sau cuộc tấn công vào một đoàn xe viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc gần thành phố Aleppo, “đấu khẩu” Nga-Mỹ đã gia tăng cường độ một cách đáng kể.
Nga can thiep quan su o Syria: Mot nam nhin lai
 Máy bay chiến đấu đa năng Su-34 của Nga tham gia không kích các mục tiêu ở Syria. Ảnh TASS
Thỏa thuận ngừng bắn Kerry-Lavrov bị “ném bom” ở Syria
Tại một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 21/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng cuộc hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov đã khiến cho ông có cảm giác rằng người Nga đang sống trong một "vũ trụ khác”. Trước tuyên bố của ông Kerry, phía Mỹ đã thông báo rằng các thông tin mới nhất khẳng định đoàn xe nói trên đã bị không kích. Điều này có nghĩa là hoặc Nga hoặc quân đội Syria phải chịu trách nhiệm.
Tại New York, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo rằng chớ có qui chụp vội vàng. Theo ông, sẽ là khôn ngoan, nếu các bên chờ đợi có kết quả của một cuộc điều tra toàn diện.
Đoàn xe viện trợ của Liên Hợp Quốc đã bị phá hủy hôm 19/9 gần thành phố Aleppo đang bị quân chính phủ Syria vây hãm. Đây là đoàn xe viện trợ nhân đạo đầu tiên của Liên Hợp Quốc đi về hướng thành phố lớn nhất Syria. Khoảng 20 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công đoàn xe và quân nổi dậy Syria đang hỗ trợ việc đánh giá của vụ việc của Washington.
Nhà phân tích Alexey Malashenko, chuyên gia Trung Đông của Văn phòng Moscow thuộc Trung tâm Carnegie nói với DW: "Mọi dấu hiệu dường như cho thấy quân đội Syria đã tiến hành cuộc không kích này". Tuy nhiên, ông Malashenko cũng không loại trừ "nhân tố Nga", mặc dù chưa có chứng cớ rõ ràng. Ông Alexey Malashenko khẳng định rằng "Nga sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó” vì Tổng thống Putin sẽ không bao giờ nói “xin lỗi, chúng tôi đã sai lầm".
Chỉ một vài ngày trước đó, phía Mỹ đã công khai thừa nhận “không kích nhầm” làm thiệt mạng hơn 60 binh sĩ Syria ở miền đông Syria hôm 17/9. Nga và chính phủ Syria đã cực lực phản đối vụ không kích của liên quân do Mỹ cầm đầu nói trên và Washington đã công khai hối tiếc về vụ việc này. Hai cuộc tấn công chỉ trong vòng vài ngày nói trên đã khiến người ta nghi ngờ về hiệu lực của thỏa thuận ngừng bắn vừa đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Geneva (có hiệu lực từ ngày 12/9).
Chỉ có điều, thỏa thuận này trái ngược với việc Nga gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực. Hôm 14/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ đưa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Địa Trung Hải. Tàu sân bay duy nhất này sẽ tăng cường sự hiện diện của Hải quân Nga ngoài khơi bờ biển Syria.
Hai mục tiêu chính của việc Nga can thiệp quân sự vào Syria
Một năm sắp trôi qua, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria. Trước thời điểm đó, cả thế giới tự hỏi vì sao máy bay vận tải quân sự và tàu chiến Nga lại đến Syria nhộn nhịp hơn thường lệ. Sau đó, phương Tây mới ngã ngửa ra rằng Nga đã mở rộng một căn cứ không quân ở tỉnh Latakia phía tây Syria. Ngày 30/9/2015, Nga đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên từ căn cứ không quân này và biện minh rằng đây là một phần của cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Trong khi đó, phương Tây cáo buộc Nga ném bom lực lượng đối lập “ôn hòa”.
Các chuyên gia cho rằng Moscow đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria vì hai lý do: hỗ trợ đồng minh là Tổng thống Syria Bashar al-Assad và buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán.
Chuyên gia Nga Fyodor Lukyanov - Chủ tịch Hội đồng Ngoại và Chính sách Quốc phòng ở Moscow, một tổ chức có quan hệ chặt chẽ với chính quyền - nói với DW rằng “nguy cơ sụp đổ của (Tổng thống Syria Bashar) Assad là một yếu tố quyết định" khiến Nga phải can thiệp quân sự.
Nhà phân tích Alexey Malashenko nhận định Nga đã đạt được hai mục tiêu chính ở Syria (vực dậy Tổng thống Assad và buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán). Ở Syria, Moscow đã chứng minh rằng Nga không chỉ đơn giản là một "cường quốc khu vực" như Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhạo báng. Và cho đến nay, Washington đã phải nhượng bộ nhiều hơn so với Moscow.
Các chuyên gia phương Tây nhận định rằng Moscow đã củng cố được vị thế của Nga tại Trung Đông. Bà Margarete Klein của Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế (SWP) ở Berlin nói: "Gần như không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào ở Syria mà không có sự tham dự của Nga hay chống lại ý muốn của điện Kremlin”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhất trí rằng một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria xem ra còn rất xa vời. Theo chuyên gia Fyodor Lukyanov, Nga đã không thể bàn giao quyền kiểm soát cho chính phủ Syria và sau đó "rút lui một cách êm thấm”.
Nhà phân tích Alexey Malashenko cũng đánh giá tình hình khá bi quan: "Điểm mấu chốt là cuộc xung đột Syria vẫn tiếp tục”. Cả Moscow lẫn Washington đều khá “nửa vời” trong việc tìm kiếm một giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được. Và cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” dường như chỉ là một cái cớ cho cuộc đọ sức giữa Nga và Mỹ ở Syria.
Nhà phân tích Malashenko nhận định: "Tổng thống Putin đang ở vào vị thế chiến thuật rất mạnh, nhưng ông ta lại chưa biết cách làm thế nào để kết thúc cuộc chơi này. Ông Putin cũng hiểu rằng đến một lúc nào đó, (Tổng thống) Assad sẽ phải ra đi, nhưng lại không biết nhiều về những người có thể thế chỗ ông này”.
Do đó, Nga sẽ ở lại Syria chừng nào Tổng thống Bashar al-Assad vẫn còn nắm quyền. Bất cứ điều gì khác sẽ là một sự mất thể diện không thể chấp nhận đối với Moscow.
Minh Châu (Theo DW)

>> xem thêm

Bình luận(0)