Nạn tham nhũng: Cuộc chiến cam go khác ở Ukraine

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài cuộc xung đột vũ trang ở miền đông, chính quyền Ukraine đang đau đầu trước nạn tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước.

Các nhà lãnh đạo thế giới, những chuyên gia phân tích hay các học giả hàng đầu thế giới không khỏi trăn trở trước câu hỏi: Cách tốt nhất để cứu đất nước Ukraine là gì?
“Đó là cải cách đất nước”, thành viên Quốc hội Ukraine (tức Rada Tối cao), ông Sergei Leshchenko nói. Cuộc chiến đối phó với mối đe dọa từ nước láng giềng hùng mạnh không phải là mặt trận duy nhất mà nước này đối mặt trong cuộc chiến sống còn này.
Ông Leshchenko thẳng thắn nói, ông thấy quan ngại nhiều hơn về cuộc chiến chống lại nạn tham nhũng vốn đã “ăn sâu bám rễ” từ lâu. “Căn bệnh” này đã làm tê liệt hệ thống chính quyền cũng như ngăn cản sự phát triển của đất nước.
Nan tham nhung: Cuoc chien cam go khac o Ukraine
Các đại biểu trúng cử tham gia lễ tuyên thệ trung thành trong phiên khai mạc Quốc hội khóa mới ở Kiev ngày 27/12/2014.
“Đấu tranh chống lại nạn tham nhũng là một thách thức còn lớn hơn so với cuộc nổi dậy ở miền đông”, vị đại biểu này nói.
Quả thực, ông Leshchenko hiểu rõ những điều mình nói. Ông kể rằng, họ đã rất trăn trở với việc thành lập Cục Phòng chống tham nhũng với những quyền hạn lớn hơn để điều tra và bắt giữ những chính trị gia hàng đầu, những người lạm dụng quyền lực để mưu đồ lợi ích riêng. Sâu xa hơn, các nhà lập pháp ở chính quyền mới Kiev còn muốn ngăn chặn các ảnh hưởng chính trị to lớn của các nhân vật chóp bu, các ông trùm kinh doanh vốn vẫn chi phối nền chính trị nước này.
Ông Leshchenko thú nhận, vấn đề ở đây là công cuộc cải cách hệ thống trong ngành tư pháp, quân đội và an ninh sẽ phải “mất nhiều năm” mới hoàn thành. Điều này có lẽ là không thể đối với Ukraine. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố khoản ngân sách thiếu hụt nghiêm trọng giữa khoản viện trợ mà cơ quan này hứa trao cho Kiev và khoản Ukraine cần. Chưa kể,việc các khu công nghiệp ở miền đông rơi vào tay phe ly khai và sự đổ vỡ trong thương vụ mua bán khí đốt với Nga cũng làm cho nền kinh tế Ukraine kiệt quệ. Số tiền mà Ukraine cần để vực dậy đất nước là 15 tỷ USD. Nếu không có tiền, chính phủ Ukraine đứng trước hai sự lựa chọn: áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu công một cách nghiêm ngặt hoặc phá sản bởi các khoản nợ.
Tuy nhiên, các nước phương Tây chưa có động thái nào sẵn sàng để viện trợ thêm tài chính cho Kiev. Họ lo lắng, Kiev dường như vẫn chưa làm đủ mọi điều để cho họ thấy, nước này đã sẵn sàng giải quyết các vấn đề của riêng họ.
Dẫu rằng vậy, vẫn còn một số lý do để hi vọng. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã công bố một loạt các biện pháp mạnh tay để cắt giảm số lượng viên chức nhà nước. Có lẽ quan trọng hơn cả, ông cam kết sẽ cải cách khu vực ngành năng lượng vốn cồng kềnh và kém cỏi trong việc đưa ra các thay đổi quyết định nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt Nga.
Đại biểu Leshchenko bày tỏ, một vấn đề quan trọng khác nữa đó là các ông trùm kinh doanh vẫn nắm một số chức vụ trong bộ máy công quyền Ukraine, nhiều tháng sau vụ lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Điển hình, người giàu nhất Ukraine, ông Rinai Akhmetov vẫn giữ sức ảnh hưởng đáng kể của mình trong hệ thống chính trị nước này khi ông là thành viên của Khối Đối lập. Chưa kể, một tỷ phú khác là đương kim Tổng thống Petro Poroshenko cũng là một trường hợp cần bàn. Dư luận đặt ra nghi vấn, liệu rằng ông Poroshenko có tránh được những sai lầm và ông có chịu từ bỏ đế chế kinh doanh của mình để “toàn tâm toàn ý” lãnh đạo đất nước.
Nan tham nhung: Cuoc chien cam go khac o Ukraine-Hinh-2
Các binh sĩ Ukraine tham gia chiến dịch quân sự ở miền đông.
Công cuộc cải cách toàn diện ở Ukraine sẽ phải mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sáng kiến mới nhất của Thủ tướng Yatsenyuk cùng các ý kiến của những thành viên Quốc hội trẻ tuổi từng tham gia phong trào biểu tình Maidan lại là những động lực quan trọng để tiếp nối những hi vọng trong công cuộc cải cách đất nước.
Liên quan tới việc chi tiêu minh bạch các khoản hỗ trợ tài chính trong quân đội, NATO mới đây thông báo, họ đã thiết lập 5 quỹ ủy thác để phục vụ cho công tác cải cách Quân đội Ukraine. Thay vì chỉ đơn giản chuyển giao tiền cho các cơ sở quân sự Ukraine hiện hành, các quỹ ủy thác đó sẽ cho phép các nhà tài trợ thúc đẩy những thay đổi trong khi vẫn duy trì kiểm soát các nguồn tài trợ.
Có lẽ, cách thức vận hành trên là một cơ chế phù hợp để áp dụng cho các chương trình hỗ trợ quy mô rộng lớn hơn. Các nhà cải cách Ukraine nói rằng, cộng đồng quốc tế nên bổ nhiệm một cơ quan giám sát độc lập để giám sát hoạt động phân bổ nguồn tài chính viện trợ mà phương Tây rót cho Ukraine. Cách giám sát như trên là một biện pháp tạo dựng lòng tin tuyệt vời, qua đó sẽ dễ dàng thuyết phục các chính trị gia phương Tây gật đầu chi viện trợ cho nước này.
Tuy nhiên, điều phương Tây đòi hỏi ở Kiev chính là các hành động. Các nhà lãnh đạo ở Washington, Brussels, London và Berlin hiểu một điều rằng, mặt trận quan trọng nhất ở Ukraine chưa hẳn là cuộc xung đột vũ trang ở miền đông mà chính là công cuộc cải cách trong toàn hệ thống cầm quyền.
Thanh Nga (theo FB)

Bình luận(0)