Mỹ trấn an TQ về chiến lược “xoay trục”

Google News

(Kiến Thức) - Các giới chức Mỹ thanh minh việc Washington chuyển các nguồn lực ngoại giao, thương mại và quân sự qua châu Á Thái Bình Dương không nhằm đe dọa Trung Quốc.

 
 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "trấn an" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Ðông Á David Helvey giải thích: “Về mặt này, thành quả của việc tái cân bằng tùy thuộc vào việc có một quan hệ tích cực và xây dựng với Trung Quốc. Do đó, dứt khoát việc tái cân bằng không phải nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, những gì Trung Quốc làm, nhất định có tác động đến cách thức chúng tôi suy nghĩ về khu vực”.
 
Theo VOA, trước các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên, Mỹ cũng phải tiếp tục trấn an các đồng minh. Giáo sư Janine Davidson của ĐH George Mason nhận định: “Vào lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên hay ở Biển Đông, việc tái khẳng định lời bảo đảm an ninh này có thể ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang gây mất ổn định giữa các nước đang lo lắng trong khu vực”.
 
Trong khi đó cũng có các ý kiến chỉ trích chính quyền Obama xử lý sai lầm các mối đe dọa. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói: “Các đồng minh của chúng ta trong khu vực muốn chúng ta không những nói ra những điều này, mà thực sự còn có thể làm một cái gì đó về các cam kết an ninh”.
 
Về những đòi hỏi chồng chéo nhau về quyền khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí và ngư nghiệp ở Biển Đông, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Ðông Á Joseph Yun nhận định: “Không có các giải pháp. Không bên nào chịu từ bỏ các đòi hỏi chủ quyền. Do đó vấn đề thực sự là chúng ta phải xử lý như thế nào? Một trong những mô hình quản lý là thông qua việc cùng sử dụng, cùng khai thác và cùng thỏa thuận”.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tìm cách trấn an các giới chức Trung Quốc, trong đó có tân Thủ tướng Lý Khắc Cường và ông Lý đã phát biểu như sau: “Các lợi ích chung của chúng ta cao hơn rất nhiều những vụ tranh chấp. Với tư cách các nước lớn, chúng ta có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
 
Giáo sư Michael Green thuộc trường Ðại học Georgetown nhận xét nhiều nước trong khu vực giao thương với Trung Quốc còn nhiều hơn với Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia là “ba đồng minh quan trọng nhất”. Theo ông, “không có nước nào muốn ở vào vị thế phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh”. Giáo sư Green cho rằng Bắc Kinh nay đã nhìn thấy các hành động của họ là một phần của lý do vì sao các nước láng giếng muốn có sự can dự nhiều hơn của Mỹ. Ông nói tiếp: “Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục lập luận rằng đó là vấn đề họ bị kiềm chế, nhưng tôi cho rằng họ đã rút ra bài học. Họ tự gây thương tích cho mình, tự cú sút bóng vào lưới nhà trong năm 2010, bằng cách đẩy các nước láng giềng của họ gần hơn về phía chúng ta”.
 
Mỹ sẽ tiếp tục là một cường quốc Thái Bình Dương có cam kết hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề khu vực như Triều Tiên và về các mục tiêu rộng lớn hơn như ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.  Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận hải quân, một phần là để ứng phó với việc chính quyền Obama chuyển trọng tâm các hoạt động ngoại giao và quân sự qua châu Á.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Văn Bình

Bình luận(0)