Mỹ-Nga đang tiến gần đến chiến tranh ở Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ bắn hạ Su-22 gần Raqqa là hành động nghiêm trọng nhất của Lầu Năm Góc Mỹ ở Syria và có thể dẫn đến xung đột trực tiếp Mỹ-Nga ở nước này.

Sau khi máy bay F/A-18E Super Hornet bắn hạ máy bay ném bom Su-22 gần thành phố Raqqa, phía Nga đã lập tức đáp trả “hành động xâm lược” của Mỹ chống lại Quân đội Syria.
My-Nga dang tien gan den chien tranh o Syria?
Chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet của Mỹ tham gia chiến dịch không kích ở Iraq và Syria . Ảnh: Reuters 
Moscow không chỉ cắt đứt cái gọi là kênh liên lạc tránh xung đột với Mỹ mà còn tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay thù địch nào xâm phạm khu vực tác chiến của Không quân Nga ở phía tây sông Euphrates.
Nhà nghiên cứu Yezid Sayigh của Trung tâm Trung Đông của Viện Carnegie (Carnegie Middle East Center) nói rằng vấn đề then chốt ở đây là liệu chính phủ Syria có cho chiến đấu cơ bay trên thành phố Raqqa, điều mà Damascus không hề làm trong nhiều năm qua. Ông Sayigh viết trong thư điện tử: “Tôi cho rằng đây là việc chế độ Assad đang thách thức ‘vạch đỏ’ của Mỹ và Lầu Năm Góc thực thi ‘vạch đỏ’ này”.
Nguy cơ căng thẳng leo thang
Vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-22 cho thấy mức độ gia tăng của “cuộc chiến ủy thác” giữa Nga và Mỹ và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa hai cường quốc này trong cuộc chiến định hình tương lai Syria.
Video: Quân chính phủ tấn công phiến quân IS ở miền trung Syria. (Nguồn: AMN):
Hiện thời, Mỹ đang tăng cường hậu thuẫn cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đánh đuổi phiến quân IS khỏi “thủ phủ” Raqqa, vốn được coi là đại bản doanh cuối cùng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ông Jonathan Stevenson, một quan chức phụ các vấn đề quân sự, Trung Đông và Bắc Phi trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama – nhận định: "Nguy cơ leo thang và xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ (ở Syria) đang gia tăng”.
Giáo sư nghiên cứu về Mỹ Iwan Morgan của University College London nói: "Đây là tình thế rất nguy hiểm và nguy cơ xung đột (Mỹ-Nga) đã gia tăng đáng kể”.
Tuy nhiên, hai nhà phân tích nói trên đều cho rằng cả Nga lẫn Mỹ đều không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa.
Hai học giả nêu trên cho rằng thật khó nhận định về chiến lược rộng lớn của Mỹ - còn trên cả cuộc chiến chống IS hiện nay. Học giả nói thêm các hành động thù địch giữa Mỹ và Nga trong tương lai là khó có thể tránh khỏi, nếu kênh liên lạc giữa hai nước bị gián đoạn và Mỹ tăng cường các chiến dịch hậu thuẫn phe đối lập ở Syria.
Minh Châu (Theo DW)

>> xem thêm

Bình luận(0)