Mỹ-Hàn hoảng hốt trước tên lửa bí ẩn của Triều Tiên

Google News

Mỹ-Hàn hoảng hốt trước vụ Triều Tiên phóng tên lửa từ đáy biển, tự hỏi quả tên lửa bí ẩn kia là gì và tác động của nó sẽ ra sao?

Theo hãng thông tấn trung ương KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đích thân ra lệnh phóng tên lửa từ đáy biển và theo dõi quả tên lửa bay lên ngày 9/5/2015.
Cuộc phóng tên lửa bất ngờ
Tờ Rodong Sinmun đã đăng tải nhiều bức ảnh về cuộc phóng. Các bức ảnh dường như đã chụp sự kiện thật và không hề có dấu hiệu chỉnh sửa, với dòng chữ trên thân tên lửa ghi rõ là Bukkeukseong-1.
"Quả tên lửa đạo đạo đã từ dưới nước lao lên trời. Cuộc bắn thử đã chứng minh và xác nhận rằng quả tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về khoa học và công nghệ quân sự mới nhất", KCNA cho biết.
Ông Kim Jong-un đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc phóng tên lửa.
Hãng tin không nói rằng cuộc thử tên lửa diễn ra ở đâu, nhưng dựa vào các hoạt động gần đây của Triều Tiên, có thể thấy nó nằm ở bờ biển phía Đông đất nước, gần vùng Sinpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong. Đã có dấu hiệu của nhiều hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tại Sinpo, gồm việc xây giá phóng thử nghiệm SLBM và sự xuất hiện của một chiếc tàu ngầm lạ mắt.
Theo chuyên gia Triều Tiên John Grisafi, hình dáng quả tên lửa mới trông khá giống mẫu BM-25 Musudan. Đây là một phiên bản tên lửa Triều Tiên được chế tạo dựa theo mẫu R-27 SLBM của Liên Xô.
Việc Triều Tiên đã thiết kế và sản xuất BM-25 cũng có nghĩa nước này biết rõ thiết kế của R-27 và khả năng đã sở hữu loại tên lửa này. Hai  yếu tố đó khiến Triều Tiên dễ dàng tự chế tạo SLBM.
Cuộc thử nghiệm đánh dấu một bước phát triển đáng nể của Triều Tiên trong nỗ lực hiện đại hóa và phát triển khả năng tấn công, cho thấy Bình Nhưỡng đang tiến mạnh theo hướng sở hữu một khả năng tấn công bằng hải quân khó bị phát hiện.
Theo hãng tin Yonhap, nếu Triều Tiên thực sự sở hữu SLBM, nước này đã đi trước Hàn Quốc ít nhất một thập kỷ. Kế hoạch của Hải quân Hàn Quốc là triển khai SLBM lên các tàu ngầm tải trọng 3.000 tấn của nước này vào năm 2030.
Sẽ là mối đe dọa lớn với đầu đạn hạt nhân
Một chuyên gia Hàn Quốc sau khi xem ảnh đã cho rằng quả tên lửa mới chỉ được "phóng lạnh", thông qua cơ chế đẩy tên lửa ra khỏi tàu ngầm. Cơ chế này là yếu tố quan trọng chủ chốt trong một hệ thống phóng tàu ngầm. Ông cho biết Triều Tiên vẫn sẽ phải nghiên cứu tiếp trước khi sở hữu khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm hoàn chỉnh. Tuy nhiên ông vẫn đánh giá Triều Tiên đã đạt được bước tiến lớn.
 Hình ảnh cho thấy quả tên lửa lao lên từ dưới mặt nước biển.
"Tác động từ chuyện này là các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay với Triều Tiên sẽ trở thành vô dụng" - Shin In-kyun, người điều hành diễn đàn Korea Defense Network, cho biết. Theo ông, các hệ thống phòng vệ này chỉ ngăn chặn tên lửa bắn từ Triều Tiên sang, chứ không phải từ một chiếc tàu ngầm đậu gần đảo Jeju của Triều Tiên hay Guam của Mỹ.
Đây cũng là quan điểm của Victor Cha, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington. Ông đánh giá cuộc thử nghiệm cho thấy Triều Tiên đủ khả năng đưa tên lửa tới rất gần Mỹ. Ngoài ra, nó cũng khẳng định Triều Tiên vẫn tiến lên về khả năng nghiên cứu và phát triển tên lửa mà không gặp trở ngại gì, bất chấp việc bị LHQ cấm vận. Theo các nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ, Triều Tiên bị cấm phát triển và bắn tên lửa đạn đạo.
Grisafi thì nói rằng giới quan sát đã bị bất ngờ trước động thái của Triều Tiên. "Thời điểm diễn ra cuộc thử nghiệm này hoàn toàn gây bất ngờ (do nằm ngoài dự báo). Chính quyền Mỹ từng nói rằng Triều Tiên đã tiến hành thử SLBM trên các bệ nổi, nhưng người ta vẫn tin nước này sẽ chỉ phóng tên lửa từ tàu ngầm sau vài năm nữa” - Grisafi cho biết.
Theo ông, ngoài chuyện Triều Tiên có thể đưa tên lửa tới gần bờ biển Mỹ, việc theo dõi, dự báo hoạt động phóng tên lửa của Triều Tiên cũng trở nên khó hơn nhiều.
Quan trọng hơn, nếu Triều Tiên có thể kết hợp tên lửa hạt nhân với SLBM, nước này sẽ có khả năng răn đe hạt nhân không hề nhỏ. Dựa trên những gì thế giới đã biết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng đã thu nhỏ được một số đầu đạn hạt nhân, tới chỗ đủ để gắn lên đầu tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia Hàn Quốc tin rằng Triều Tiên vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm khả năng đẩy tên lửa ra khỏi tàu ngầm. Họ vẫn chưa quan tâm nhiều tới tầm bắn và độ chính xác của quả tên lửa. Nhưng thời gian tới, chắc chắn Triều Tiên sẽ để ý hơn tới các vấn đề này.
Theo TTVH

Bình luận(0)