Mưu đồ của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo ở Trường Sa

Google News

(Kiến Thức) - Với hành động xây dựng đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang lộ rõ mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.

Giới chuyên gia quốc tế đã đồng loạt lên tiếng về ý đồ bành trướng của Bắc Kinh sau khi xem những bức ảnh về công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), được tạp chí quốc phòng Jane’s Defense công bố hôm 15/2.
Nếu kể cả các công trình đang dần hoàn thiện, Trung Quốc đã nâng số đảo nhân tạo bồi đắp trên cơ sở bãi đá hay rạn san hô mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam hay Philippines lên con số 7, gồm Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Ga Ven, Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Én Đất và Đá Vành khăn.
Một nhà ngoại giao phương Tây đã phải công nhận các công trình do Trung Quốc thực hiện mang quy mô lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước đây, khiến việc đối phó với các tham vọng của Trung Quốc trong thời gian trước mắt sẽ "đặc biệt khó khăn" nếu mọi chuyện vẫn tiếp diễn.
Muu do cua Trung Quoc khi boi dap dao nhan tao tai Truong Sa
Công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam).
Vậy mục đích xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông là gì?
Đầu tiên, các công trình mà Bắc Kinh đang xây dựng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam được cho là nhằm mục đích quân sự khi mỗi đảo là "một tàu sân bay không thể đánh chìm" (trích lời một chuyên gia phân tích). Chẳng hạn, Đá Tư Nghĩa đã được thiết kế như một pháo đài, vừa có bãi đáp trực thăng, vừa có cầu tàu cho chiến hạm cập bến. 
Chuyên gia phân tích của Jane’s Defense đã gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển. Đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng đội trực thăng, có ích trong việc săn tàu ngầm.
Thứ hai, Bắc Kinh có thể dùng chuỗi đảo này làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự, từng được Trung Quốc dùng làm phương tiện thực hiện nhiều hành động ngang ngược trên Biển Đông.
Theo chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không chỉ là kho tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm Trung Quốc, mà còn là một nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho các tàu đánh cá hay tàu cảnh sát biển Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc có thể sẽ cho tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông trên cơ sở các đảo nhân tạo này, điều họ chưa làm được khi chưa đủ thực lực buộc nước khác phải "chấp nhận".
Hiền Thảo

Bình luận(0)