Mục tiêu tiếp theo của phiến quân IS là Ả-rập Xê-út

Google News

(Kiến Thức) - Hứng chịu “đòn hội đồng” từ mọi phía ở Syria và Iraq, phiến quân IS có thể chuyển sang tấn công chế độ quân chủ Ả-rập Xê-út.

Trong bài phân tích được đăng tải trên tạp chí The Bridge, nhà phân tích địa chính trị Schuyler Moore ở Washington cho rằng sự suy thoái của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trước sự tấn công vùi dập của cộng đồng quốc tế là không thể tránh khỏi. Nhưng bà Schuyler Moore cảnh báo: "Ngay cả khi tổ chức ISIS có thể bị lụn bại trước sức ép của cộng đồng quốc tế, phiến quân IS sẽ không đơn giản biến mất”.
Muc tieu tiep theo cua phien quan IS la A-rap Xe-ut
Nguy cơ phiến quân IS ở Iraq và Syria "chuyển lửa" về Ả-rập Xê-út.
Theo nhà phân tích Schuyler Moore, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo "chủ yếu bao gồm các chiến binh nước ngoài ít có quan hệ với các nước sở tại mà chúng đang tham chiến. Trong trường hợp phải  di dời, có một đất nước xem ra đặc biệt hứa hẹn và đó là Ả-rập Xê-út”. Bà Moore giải thích: "Với tình trạng bất ổn nội bộ, nguy cơ bất ổn kinh tế do giá dầu mỏ xuống dốc không phanh và lịch sử xung đột với các nước láng giềng, Ả-rập Xê-út quả là đã chín muồi cho các cuộc nổi dậy và sẽ là điểm đến lý tưởng cho các chiến binh thánh chiến tìm kiếm một điểm tập kết mới... Nếu ISIS thất trận và bị đẩy ra khỏi căn cứ địa cũ, Ả-rập Xê-út có nguy cơ trở thành mảnh đất tiếp theo dành cho các phần tử khủng bố trong khu vực”.
Schuyler Moore chia phân tích của bà thành ba phần. Đó là “các nhân tố rủi ro nội bộ”, “lịch sử của phong trào nổi dậy Hồi giáo cực đoan” ở Ả-rập Xê-út  và “áp lực bên ngoài”.
Áp lực trong nước
Ả-rập Xê-út đang phải đối mặt với "những thách thức về dân số và kinh tế xã hội", trong đó có  cộng đồng người nhập cư chiếm tới gần 1/3  dân số  28 triệu của nước này và hơn ¾ lực lượng lao động. Hơn nữa, khoảng 70% dân số Ả-rập Xê-út ở độ tuổi dưới 30, với gần 30% thanh niên nước này bị thất nghiệp.
Trong khi đó, các nhà  lãnh đạo tôn giáo cực kỳ bảo thủ "kêu gọi cải cách và hiện đại hóa Ả-rập Xê-út” cùng với những “mâu thuẫn trong nội bộ hoàng tộc dẫn đến xung đột chính trị”. Điều này khiến cho “các nhóm khủng bố có thể lợi dụng tình hình bất ổn ở Vương quốc dầu mỏ này”.
Sự xuống dốc không phanh của giá dầu thế giới đã “đổ thêm dầu vào lửa bất ổn nội bộ” ở Ả-rập Xê-út. Bà  Schuyler Moore nhận định: "Với 80% thu ngân sách đến từ xuất khẩu dầu mỏ, Ả-rập Xê-út đã bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng giá dầu xuống dốc không phanh, với thâm hụt ngân sách cao nhất trong lịch sử”.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng giá dầu chỉ là một yếu tố trong "một loạt những yếu tố bất ổn ngày càng tăng gây rắc rối trong nước”. Tình trạng  bất ổn này "không chỉ khuyến khích các tổ chức khủng bố coi Ả-rập Xê-út là địa bàn quan trọng, mà còn tạo ra môi trường trong đó giới trẻ thất nghiệp nổi loạn”.
Lịch sử đầy bạo lực
Nhìn lại lịch sử Hồi giáo nổi dậy chống  Hoàng tộc  Saud và các đồng minh,  nhà phân tích Moore nhắc lại rằng  lịch sử này quay ngược lại năm 1990, khi Riyadh cho phép Mỹ lập căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ Ả-rập Xê-út.
Kể từ đó, chính quyền Ả-rập Xê-út  "đã phải đối mặt với một phe bảo thủ Wahhabi ngày càng cực đoan phản đối bất kỳ mối quan hệ nào thân thiện với thế giới phương Tây ... Đó là những yếu tố cơ bản chịu trách nhiệm cho phần lớn các cuộc tấn công khủng bố trong Vương quốc dầu mỏ”.
Hơn nữa, chiến lược của Riyadh tích cực kêu gọi "thanh niên đi ra nước ngoài hỗ trợ những anh em Hồi giáo - bất kể ở Iraq, Afghanistan hoặc Chechnya” - đã phản tác dụng khi chiến binh thánh chiến “chuyển lửa về quê nhà” và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, “sử dụng các kỹ năng mà họ học được trong khi chiến đấu ở nước ngoài”.
Muc tieu tiep theo cua phien quan IS la A-rap Xe-ut-Hinh-2
Syria ngày nay rất có thể là điềm báo trước Ả-rập Xê-út ngày mai.
Thật không may, các biện pháp chống khủng bố của Ả-rập Xê-út  có lẽ là “quá ít và quá muộn”. Nhà phân tích Moore viết tiếp: "Ả-rập Xê-út hiện đang là một trong những nguồn lớn nhất cung cấp chiến binh nước ngoài ở Iraq và Syria, với  2.000 công dân nước này tham gia ISIS, và là nơi có số lượng lớn nhất những người ủng hộ ISIS dùng Twitter trên thế giới. Sự sụt giảm gần đây của chiến binh nước ngoài  ở Syria và Iraq có thể là việc các chiến binh thánh chiến hồi hương và đem cuộc chiến đến trước ngưỡng cửa Ả-rập Xê-út  như từng xảy ra trong quá khứ. Đây chính là một sự thừa nhận ngầm rằng “Ả-rập Xê-út  rất có thể cũng trở thành một trung tâm mới của chủ nghĩa khủng bố”.
Hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” của chính sách đối ngoại
Bên cạnh áp lực nội bộ, nguy cơ khủng bố ở Ả-rập Xê-út chính là  kết quả của chính sách đối ngoại tai hại. Nhà phân tích địa chính trị Schuyler Moore nhân định: "Sự can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út ở Yemen đang dần dần làm cạn kiệt các nguồn lực và ý chí chính trị. Thỏa thuận hạt nhân Iran được coi là một tổn thất và dấu hiệu yếu đuối của Ả-rập Xê-út cũng như của các cộng đồng Sunni luôn chiến đấu chống những người hàng xóm Shia. ISIS đã tấn công Ả-rập Xê-út vì quan hệ gần gũi giữa vương quốc này với Mỹ và do việc Riyadh đã bắt giữ gần một trăm nghi can khủng bố trong năm 2015”.
Cuối cùng, nhà phân tích địa chính trị Moore cảnh báo rằng  bất ổn trong nước, giá dầu sụt giảm, quan hệ với phương Tây (kích động phẫn nộ trong nước) và việc chính phủ phiêu lưu vô ích ở Yemen và Syria... đang khiến cho Ả-rập Xê-út biến thành một mục tiêu lý tưởng của nhóm khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.
Minh Châu (Theo Sputnik News)

Bình luận(0)