Mosul chưa phải là trận chiến cuối cùng của IS ở Iraq

Google News

(Kiến Thức) - Trao đổi với đài Deutche Welle, học giả Hassan Hassan cho rằng Mosul chưa phải là trận chiến cuối cùng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.

Trong một tuyên bố hiếm hoi, thủ lĩnh IS tối cao Abu Bakr al-Baghdadi đã kêu gọi các tay súng dưới quyền “tử thủ” ở thành phố Mosul.
Mosul chua phai la tran chien cuoi cung cua IS o Iraq
Học giả Hassan Hassan: Mosul chưa phải là trận chiến cuối cùng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Ảnh Wilson Center 
Phóng viên của đài Deutsche Welle (DW) đã trao đổi với học giả Hassan Hassan, đồng tác giả của cuốn sách “ISIS: Bên trong đội quân khủng bố”, về những tác động của lời kêu gọi này.
+ DW: Tuyên bố ghi âm ngày 3/11 của thủ lĩnh cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” Abu Bakr al-Baghdadi có ý nghĩa như thế nào đối với chiến dịch tái chiếm Mosul so Iraq lãnh đạo?
- Hassan Hassan: Có rất nhiều ý nghĩa. Đây là lần đầu tiên, Abu Bakr al-Baghdadi đã lộ diện và ra lệnh cho các tay súng dưới quyền chiến đấu đến cùng. Đây là điều chưa từng có. Ngay cả Abu Mohammed al-Adnani, phát ngôn viên của Nhà nước Hồi giáo, cũng không đi xa đến thế. Điều này cho thấy Mosul là rất quan trọng đối với nhóm khủng bố này…và cũng có nghĩa là phiến quân IS sẽ tử thủ (ở Mosul).
Phía Mỹ và Iraq từng hy vọng phiến quân IS một lần nữa sẽ chọn cách tháo chạy giống như những lần trước khi bị thúc ép. Nhưng lần này điều đó sẽ không xảy ra. Có một điều rõ ràng là phiến quân IS sẽ tử thủ và trận chiến Mosul sẽ ác liệt, bẩn thỉu và đẫm máu. Nếu có thể cố thủ ở Mosul trong một thời gian dài, ISIS có thể biến chiến dịch tái chiếm Mosul trở nên khó khăn gấp bội so với những gì mà phía Mỹ và Iraq từng hy vọng.
+ Vì sao Mosul lại quan trọng đến thế đối với Nhà nước Hồi giáo và tầm nhìn của al-Baghdadi?
- Đây là câu hỏi rất thú vị bởi vì người ta luôn nghĩ rằng thành phố Raqqa là thủ phủ (của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo). Nhưng trên thực tế, Mosul mới chính là thủ phủ của nhóm vì nhiều lý do.
Thứ nhất, đây là thành trì đông dân cư nhất của ISIS và nên nhớ rằng ISIS là một nhóm khủng bố có xuất xứ Iraq. Chính vì vậy, Mosul luôn quan trọng đối với ISIS hơn Raqqa. Nhóm khủng bố này chiến đấu ở Iraq lâu nhất. Chúng có cơ sở xã hội ở Iraq mạnh hơn ở Syria.
Thứ hai, thành phố Mosul chính là nơi tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo (caliphate). Al-Baghdadi đã thông báo điều này từ Nhà thờ Hồi giáo lớn ở Mosul. Ông ta từng là lãnh đạo tối cao ở Mosul, trước khi trở thành thủ lĩnh tối cao IS trong năm 2010. Chính vì vậy mà Al-Baghdadi biết rất rõ về Mosul. Mosul có ý nghĩa quan trọng đối với ông ta hơn bất kỳ thành phố nào khác. Mosul cũng là thành trì rất quan trọng đối với mưu đồ của ISIS.
Vẫn còn nhiều lý do nữa và việc nhận thức được các lý do này là rất quan trọng, ngay cả khi ISIS mất Mosul. ISIS muốn biến Mosul thành biển máu. Chúng muốn cuộc chiến ở đây kéo dài và muốn đẩy cao cái giá mà đối phương phải trả cho việc tái chiếm Mosul.
Nếu ISIS để mất Mosul, đây sẽ là một chiến thắng lớn đối với Iraq, không chỉ vì đã xua đuổi được ISIS khỏi Mosul, mà còn vì chiến lược đánh chiếm Mosul tỏ ra rất có triển vọng. Cơ cấu các lực lượng tiến vào thành phố Mosul cũng đầy hứa hẹn. Đó là các đội quân chuyên nghiệp: không có lực lượng dân quân Shiite và cũng không có dân quân người Kurd.
Ưu tiên hàng đầu hiện nay của ISIS là đánh bại chiến lược này và rốt cuộc lực lượng dân quân Shiite sẽ phải tiến vào Mosul. ISIS muốn (mượn tay dân quân Shiite) phá hủy Mosul và muốn cư dân ở đây nói rằng “cuộc sống dưới thời ISIS là tốt đẹp hơn”.
Đây chính là thông điệp mà ISIS muốn phát đi và đây cũng chính là kết cục mà chúng mong muốn. Ngay cả khi mất Mosul, ISIS vẫn đạt được mục đích mà chúng đã đề ra.
+ Liệu Mosul có báo hiệu cuộc chiến cuối cùng đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo?
- Đây không phải là sự kết liễu đối với ISIS, mà chỉ là sự kết thúc một thời kỳ trong đó bao gồm dự án Vương quốc Hồi giáo (caliphate project).
Chỉ có điều, các điều kiện để xuất hiện ISIS thứ hai hoặc thứ ba hiện thuận lợi hơn rất nhiều so với năm 2008, khi chúng bị đuổi khỏi các thành phố ở Iraq.
Trong số các điều kiện thuận lợi nói trên có khoảng trống quyền lực trải dài từ Iraq đến Syria. ISIS sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống này. Chúng sẽ tiếp tục phá hoại ở cả Iraq lẫn Syria. Chúng tiếp tục tấn công khủng bố và tuyên bố rằng Nhà nước Hồi giáo vẫn còn là một nhà nước hợp pháp ở một số khu vực. ISIS vẫn sẽ lôi kéo được một số người hợp tác với chúng, trong khi những người khác không dám chống lại chúng hoặc hợp tác với chính phủ vì sợ bị trả thù. ISIS vẫn nuôi hy vọng trở lại cầm quyền, khi các điều kiện cho phép…
Minh Châu (Theo Deutsche Welle, lược dịch)

>> xem thêm

Bình luận(0)