Mổ xẻ “trò chơi hạt nhân” của lãnh đạo Kim Jong-un

Google News

(Kiến Thức) - Mục đích tối thượng trong “trò chơi hạt nhân” của lãnh đạo Kim Jong-un là duy trì chế độ và vũ khí hạt nhân chính là công cụ răn đe hữu hiệu.

Với hai lần thử tên lửa đạn đạo Hwasong-14 vào ngày 4 và 28 tháng 7, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hy vọng sẽ đạt được cái điều mà chỉ có một số ít đối thủ của Hoa Kỳ hằng mơ ước - khả năng đánh trúng lục địa Mỹ với lực lượng tên lửa hạt nhân.
Tim hieu “tro choi hat nhan” cua lanh dao Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo dõi trực tiếp vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Ảnh: Reuters  
Đó là một sự đột phá chiến lược mà giới quân sự Mỹ lo ngại từ lâu. Chỉ có điều, họ không biết tên lửa liên lục địa của Triều Tiên chính xác đến mức nào.
Khi chương trình tên lửa-hạt nhân của Bình Nhưỡng có bước nhảy vọt, câu trả lời về “trò chơi hạt nhân” của lãnh đạo Kim Jong-un sẽ ngày càng trở nên cấp bách. Hiện thời, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) dự đoán Triều Tiên đã có một vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo.
Phân tích các cảnh quay video hai lần phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London cho rằng Bình Nhưỡng hiện có động cơ tên lửa dựa trên động cơ tên lửa của Liên Xô mà người Nga không sử dụng từ những năm 1990.
Hiện không rõ làm cách nào mà Bình Nhưỡng có thể làm chủ được công nghệ động cơ tên lửa tầm xa nhanh đến thế. Theo IISS, nhiều khả năng nhất là do các kho dự trữ quân sự không được bảo vệ hoặc do các mạng lưới bất hợp pháp ở Nga và Ukraine.
Nga có khả năng gây ra thiệt hại lớn trên lãnh thổ Mỹ từ những năm 1950, còn Trung Quốc cũng có thể tấn công lãnh thổ Mỹ từ những năm 1960. Tuy nhiên, cả Moscow và Bắc Kinh đều được coi là các siêu cường có trách nhiệm. Ngoài ra, nỗi sợ hãi “các bên đều thua” trong chiến tranh hạt nhân có từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh khiến cho mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Điều này xem ra ít chắc chắn hơn với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, không phải do nhà lãnh đạo trẻ này liều lĩnh tiến hành một cuộc tấn công tên lửa hạt nhân mà ông biết rõ sẽ dẫn đến tự diệt vong. Mục tiêu tối thượng của chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên luôn là để bảo vệ chế độ hiện hành. Ông Kim Jong-un hy vọng với khả năng răn đe hạt nhân ngày càng hữu hiệu, phần còn lại của thế giới sẽ cảm thấy không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc để ông duy trì quyền lực.
Tuy nhiên, nguy cơ sẽ xuất hiện, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảm thấy chế độ hoặc tính mạng của ông bị đe dọa nghiêm trọng. Chỉ có điều, bất cứ cuộc lật đổ chế độ nào – bất kể từ bên ngoài hoặc bên trong Triều Tiên – đều trở nên nguy hiểm bởi mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng. Nếu cảm thấy sắp sửa bị lật đổ hoặc bị sát hại, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân và các mục tiêu có thể là ở Nhật Bản hoặc trên lãnh thổ Mỹ.
Các loại tên lửa phòng không của Mỹ triển khai ở Nhật Bản và Hàn Quốc là những phương tiện chống đỡ cuối cùng đối với loại rủi ro này. Tuy nhiên, công nghệ phòng thủ tên lửa hiện nay vẫn còn ở trong giai đoạn đầu và việc bắn hạ một tên lửa đạn đạo lao xuống với tốc độ chóng mặt đang trở nên vô cùng khó khăn nếu không phải là không thể.
Tất cả những điều này giúp lý giải cuộc tranh luận dữ dội ở Mỹ về đánh đòn phủ đầu. Cuộc tranh luận này càng trở nên nóng bỏng hơn, sau những phát biểu của Tổng thống Donald Trump về "lửa và cơn cuồng nộ” cũng như các lựa chọn quân sự đã “khóa mục tiêu”.
Đối với nhiều người ở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, đây có thể là sự lựa chọn cuối cùng. Những người khác lại cho rằng đã quá muộn.
Sự nguy hiểm của cuộc chiến tranh thông thường trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là nguy cơ Triều Tiên pháo kích hủy diệt thủ đô Seoul của Hàn Quốc, đã khiến cho các vị Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama “ngại” hành động quân sự chống Bình Nhưỡng. Các cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên còn gây sức ép nặng nề hơn đối với Tổng thống Donald Trump khi ông cũng có tính toán tương tự.
Minh Châu (Theo Reuters)

>> xem thêm

Bình luận(0)