Malaysia bị “giằng xé” bởi Trung Quốc và Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Dù chủ yếu được quyết định bởi các vấn đề trong nước, cuộc bầu cử sắp tới ở Malaysia vẫn bị ảnh hưởng bởi Mỹ và Trung Quốc.

 Lựa chọn Najib (trái) hoặc Anwar là gián tiếp lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong một nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ của công chúng và giành chiến thắng tại một số bang kinh tế năng động từng bị rơi vào tay phe đối lập năm 2008, liên minh cầm quyền Mặt trận Dân tộc (Barisan Nasional -BN) của Malaysia đề ra một loạt các biện pháp dân túy để thu hút cử tri.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Thủ tướng Najib Razak dựa vào Bắc Kinh để phục hồi nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Malaysia, chú trọng tăng cường đầu tư đến từ Trung Quốc. Thủ tướng Najib Razak cũng đã tăng cường trao đổi giữa Trung Quốc và Malaysia trong các lĩnh vực như tài chính, cơ sở hạ tầng khoa học, phát triển và công nghệ và giáo dục.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, với kim ngạch thương mại đạt 90 tỷ USD trong năm 2011. Malaysia cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia  Đông Nam Á (ASEAN).

Truyền thông nhà nước Malaysia đưa tin, một khu công nghiệp liên hợp Malaysia-Trung Quốc đã được khởi công xây dựng ở khu vực Kuantan. Tổ hợp công nghiệp bao gồm một nhà máy sản xuất thép, một nhà máy sản xuất nhôm, một nhà máy lọc dầu cọ và mở rộng cảng Kuantan này sẽ tạo ra 8.500 việc làm mới. Kuantan đã được chọn làm địa điểm cho dự án hợp tác Malaysia-Trung Quốc do gần sát Biển Đông.

Con của Thủ tướng Najib và Ngoại trưởng Anifah Aman đều học tiếng Trung Quốc và điều này phản ánh ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Malaysia. Chính phủ ở Kuala Lumper luôn có thái độ mềm mỏng trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông do qui mô hợp tác thương mại ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Do những mối quan hệ chặt chẽ hiện hành, không còn nghi ngờ gì nữa về việc Bắc Kinh muốn Mặt trận Dân tộc (BN) của Thủ tướng Najib tiếp tục cầm quyền. Một chính quyền do nhà lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim, người được cho rằng thân Mỹ hơn, sẽ đe dọa làm gián đoạn chính sách phát triển của Thủ tướng Najib. Báo chí địa phương cho rằng Anwar Ibrahim có quan hệ với các nhà tư tưởng tân bảo thủ ở Washington.

Trong khi cũng có mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo phương Tây, Thủ tướng Najib Razak không muốn làm phức tạp mối quan hệ Trung Quốc-Malaysia, khi Washington tiến hành “xoay trục” chuyển  sức mạnh quân sự sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc.

Về phần mình, nhà lãnh đạo đối lập Anwar Ibrashim được coi là con cưng của phương Tây và rõ ràng là một ứng cử viên hấp dẫn hơn trong con mắt người Mỹ. Cựu Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, từng ám chỉ rằng Washington đã dùng tiền để thay đổi chế độ ở Malaysia, thông qua những nỗ lực ủng hộ phe đối lập. Các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động thanh niên đã phản bác ý kiến trên, coi đó là một thủ đoạn tuyên truyền cũ rích của liên minh cầm quyền trước thềm bầu cử.

Trong khi nhiều người Malaysia bày tỏ sự thất vọng với sự  lãnh đạo của BN, chiến thắng của phe đối lập chưa được kiểm chứng có khả năng hủy hoại chính sách thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy các dự án phát triển - trong dó  bao gồm các dự án có vốn đầu tư Trung Quốc trong ngành công nghiệp, bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Gần đây, ngân hàng đầu tư JP Morgan cũng đã bày tỏ quan ngại về tính không thể tiên đoán của thị trường Malaysia,  trong trường hợp phe đối lập giành phần thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Có thể nói rằng khi các cử tri Malaysia bỏ phiếu lựa chọn Najib hoặc Anwar, họ cũng gián tiếp lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân

Bình luận(0)