Lý giải ly khai Ukraine thanh trừng lãnh đạo cao cấp

Google News

(Kiến Thức) - Cộng hòa nhân dân Donetsk (DNR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LNR) vừa thực hiện việc thanh lọc nhiều cán bộ lãnh đạo.

Liên tiếp các lãnh đạo của ly khai Ukraine từ chức
Những người, theo quan điểm của Kremlin sẽ dễ điều khiển và phù hợp với những nhiệm vụ đứng trước Novorossiya đã giữ những cương vị chủ chốt.
Sau Denis Pushilin (Chủ tịch chủ tịch đoàn Xô viết tối cao DNR, từ chức 18/7/2014) và Aleksandr Borodai (Thủ tướng DNR, từ chức 07/8/2014), 2 người có vai vế đã bị loại bỏ khỏi ban lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng. Đầu tiên Valeriy Bolotov rời bỏ cương vị đứng đầu Cộng hòa nhân dân Lugansk. Ông giải thích nguyên nhân sự ra đi của mình: “Không phải bí mật với bất cứ ai. Chúng ta đang trên bờ thảm họa nhân đạo. Trong hoàn cảnh như vậy ban lãnh đạo đất nước phải làm việc hết sức mình, điều này không chỉ quyết định chất lượng cuộc sống của người dân Lugansk, mà ngay cả chính cuộc sống của họ. Hậu quả của vết thương không cho phép tôi làm việc cật lực trên cương vị này để phục vụ nhân dân Lugansk trong thời chiến phức tạp hiện nay”. Lãnh đạo bộ Quốc phòng nước cộng hòa Igor Plotnitskiy đã thay ông.
Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk  Igor Strelkov.
Sau đó lại xuất hiện tin quan trọng hơn: đã có công bố về việc từ chức của Igor Strelkov – thực chất là biểu tượng của Novorossiya– Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa nhân dân Donetsk. Vladimir Kononov – chỉ huy dân quân với biệt danh Tsar, được bổ nhiệm thay ông Strelkov. Ngay cả những người ủng hộ nguyên Bộ trưởng Quốc phòng hăng hái nồng nhiệt như người viết blog nổi tiếng hơn cả el– Myurid cũng thừa nhận Tsar là nhân vật thay thế xứng đáng cho ông Strelkov.
Các giả thiết liên quan đến việc thanh lọc bộ máy lãnh đạo ly khai Ukraine
Theo một trong những giả thiết, việc từ chức của Bolotov và Strelkov có thể liên quan đến những thỏa thuận nào đó đã đạt được với tài phiệt Renat Akhmetov. Theo giả thiết khác, nó phù hợp với lợi ích của Moscow, hiện vẫn đang hướng mọi nỗ lực của mình vào việc thành lập Ukraine theo thể chế liên bang và không muốn nhà nước này tan rã. Không loại trừ là cả hai giả thiết đều đúng.
Như mọi người đều biết, chính dự án DNR và LNR thoạt đầu là do Akhmetov nghĩ ra (chứ không phải Nga như chính quyền Ukraine khẳng định). Nhà tài phiệt này muốn giành được sự phi tập trung hóa Ukraine và bằng cách đó nhận được những quyền hành bổ sung cho vùng đất của mình. Song kế hoạch của Akhmetov đã không thành, dự án đã tự mình sống được và nhờ nỗ lực của những người mới đến (kiểu như chính Strelkov) trở nên cực đoan hơn. Kết cục Akhmetov quyết định từ bỏ ý định ban đầu và ngả sang phía chính quyền Kiev, thậm chí dành sự giúp đỡ theo khả năng cho chính quyền đàn áp cuộc nổi dậy, cũng như chuẩn bị giao nộp Donetsk, cuộc giao nộp đã bị Strelkov phá vỡ bằng cuộc hành quân chớp nhoáng từ Slavyansk bị bao vây.
Song những hành động thiện chí đã không giúp gì cho Akhmetov. Bất chấp mọi việc tạ lỗi của ông này, bộ phận tài phiệt Ukraine giành chiến thắng ở Maiđan kiên quyết đoạt lấy tài sản của người từng giàu có nhất Ukraine, và phần lớn dân chúng ủng hộ họ trong việc này. Người sở hữu tỉnh Dnepropetrovsk Igor Kolomoiskiy nói thẳng đến việc cần tịch thu tài sản của “các doanh nhân không trung thành với chính quyền”. Còn Rađa Tối cao Ukraine đã thông qua dự luật rất đặc thù về các biện pháp trừng phạt. Về lý thuyết các biện pháp này nhằm chống Nga, tuy nhiên trên thực tế nó cho phép tịch thu tài sản của bất cứ người nào bị kết tội không trung thành với chế độ mới.
Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR), Aleksandr Borodai.
Akhmetov không có nhiều lối thoát khỏi tình trạng này, và nói chung không có lối thoát tốt nào. Ông này có thể tích tụ gom góp các tài sản tiền mặt của mình và đi khỏi đất nước, nhưng tính hám danh và ngạo mạn chắc là không thể cho ông làm như vậy. Ông ta có thể thử chia tài sản của mình với các tài phiệt có ảnh hưởng hơn cả và bằng cách đó lấy lòng họ– tuy nhiên muốn làm được như vậy thì phải có lòng tin, thứ mà ngay cả vào thời bình ở Ukraine cũng không hề có. Hoặc giả ông có thể thử quay trở lại với dự án của mình– điều mà theo một số tin tức ông đã làm để đổi lấy việc nhiều nhân vật thù địch với Akhmetov trong chính phủ hai nước cộng hòa (tự xưng) đã từ chức.
Tất nhiên, Akhmetov tiến hành vụ làm ăn này (nếu như nó, đương nhiên, đã xảy ra) không phải với giới thượng lưu Donetsk hay Lugansk, mà là với Moscow– chỉ có Kremlin mới có thể khởi xướng vụ từ chức của Strelkov. Nếu như trước đây mục đích của Moscow và Akhmetov không gặp nhau, thì đến nay chúng đã trở nên gần nhau hơn nhiều. Cũng như Akhmetov, Nga ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong đường biên giới sau khi việc sáp nhập Crimea vào Nga và thể chế liên bang của quốc gia, thể chế đảm bảo ảnh hưởng đáng kể của các khu vực và giới thượng lưu ủng hộ/ngả theo Nga lên quá trình thông qua các quyết định ở trong nước. Hơn nữa, trong trường hợp có các khủng hoảng hoặc căng thẳng tình hình tiếp theo trong tương lai, thể chế liên bang sẽ tạo cơ sở pháp lý cho sự phân chia lãnh thổ của Ukraine một cách hợp pháp và hòa bình. Mọi giải pháp khác cho cuộc đối đầu ở Donbass vào thời điểm này không có lợi, thậm chí nguy hiểm đối với Nga. Ví dụ, việc giao nộp Donbass thông qua chiến thắng của Poroshenko trong chiến dịch chống khủng bố sẽ kéo theo sự đoàn kết của toàn bộ Ukraine trên cơ sở chống Nga.
Mặt khác chiến thắng quân sự của Novorossiya và việc nó tách ra khỏi Ukraine tất yếu biến toàn bộ phần lãnh thổ còn lại của nước này– chúng tôi nhắc lại là Ukraine nằm giữa Nga và Cộng đồng châu Âu, và trên lãnh thổ này có các kho chứa khí thiên nhiên ngầm dùng để trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu– thành không gian chống Nga.
Đường lối của Nga hướng vào xuống thang tình hình ở Ukraine có thể được giải thích cả bằng những thỏa thuận với EC. Cả ở Moscow, cả ở Bruxelles đều hiểu sự không có triển vọng của việc tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt và tiếp tục xung đột ở Ukraine. Không loại trừ là hiện các bên đã thử tìm ra một tạm ước nào đó và thiết lập một nước Ukraine sẽ không còn là rào cản cho quan hệ Nga– châu Âu.
Cuối cùng, quyết định của chính quyền Nga cho phép sự từ chức của Strelkov còn có sự giải thích mang tính cá nhân. Tính không khoan nhượng và biểu tượng của nhân vật này làm cho điện Kremlin lo ngại. Nhiều nhà yêu nước giả tạo kiểu như Sergei Kurginyan coi Strelkov có lỗi việc ông này không bác bỏ các loại tuyên bố của những “người mang băng trắng” (những người đối lập phản đối Putin) là ông không thể có được uy tín nhờ dự án Novorossiya để cạnh tranh với Putin. Bản thân ông bộ trưởng, luôn lảng tránh các phát biểu công khai trước công chúng, không biết phải đối phó với những trách móc kiểu đó như thế nào, bởi vì tính phi lý của chúng là dễ hiểu với mọi người có suy nghĩ lành mạnh– tuy nhiên hạt giống nghi ngờ đã được gieo vào điện Kremlin. Không loại trừ, chính điều này một phần giải thích cho những trục trặc trong cung cấp vũ khí Nga cho dân quân, và có thể, đến nay sau khi ông Strelkov từ chức khối lượng viện trợ sẽ được tăng lên.
Về phần mình bản thân Strelkov, xem ra, không có ý kiến phản đối việc từ chức của mình. Ông quan tâm đến dự án Novorossiya độc lập, chứ không phải là liên bang Ukraine, vì vậy “ông mất lòng tin vào sự ủng hộ của Moscow. Như chính ông từng nhiều lần tuyên bố, đối với ông sự ủng hộ của Nga là hòn đá tảng của thành công xây dựng DNR và Novorossiya”– người đứng đầu phân hiệu Ukraine của Viện các nước SNG Denis Denisov đánh giá.
Tất nhiên, khi thay đổi cán bộ, Nga đã có mạo hiểm lớn. Hiện các lực lượng vũ trang Ukraine đang tiến hành những nỗ lực liều lĩnh đánh tan DNR và LNR bằng những đòn tấn công tập trung trên toàn mặt trận. Ai cũng biết Kiev đang cần kết thúc chiến dịch chống khủng bố bằng chiến thắng nhanh nhất, để ông Petro Poroshenko có thể ung dung bắt đầu chiến dịch vận động bầu cử vào Rađa Tối cao và Ukraine có thể tiếp tục nhận được tài trợ của IMF. Tất nhiên, việc từ chức của 2 ông Strelkov và Bolotov trong tương lai gần có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng quốc phòng của cả hai nước cộng hòa. Tuy nhiên, nếu DNR và LNR đứng vững được, và ban lãnh đạo mới của các nước này sẽ có được sự tin tưởng hoàn toàn của Moscow, thì tiến triển tình hình ở Donbass có thể sẽ thuận lợi hơn cho lợi ích của Nga.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)