Lý giải cách thức Nga làm chủ cuộc chơi ở Aleppo

Google News

Nhờ thực hiện chiến lược “sự đã rồi” và khai thác triệt để chia rẽ ở phương Tây, Nga đã thành công trong việc áp đặt “lộ trình” đối với cuộc xung đột Syria.

Sự kiện Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 8/12 vừa qua đã thông báo việc “Quân đội Syria đã ngừng các hoạt động tấn công ở phía Đông Aleppo” không làm ai bất ngờ. Cũng như vậy khi ông Lavrov vài giờ sau đó lại tuyên bố “các cuộc oanh kích sẽ tiếp tục đến khi nào vẫn còn lực lượng phiến quân”.
Ly giai cach thuc Nga lam chu cuoc choi o Aleppo
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavorv là chiếm thế chủ động trong "ván bài Syria". Ảnh Al-Masdar News 
Sự khuấy động về mặt ngoại giao này chỉ nhằm khẳng định một điều mà cả thế giới đều đã biết: Moskva là ông chủ cuộc chơi tại Aleppo.
Chính Nga là bên có ưu thế trong đàm phán và quyết định chuyện đình chiến. Trên thực tế, điện Kremlin đang ở vị thế có quyền đòi hỏi những gì mình mong muốn mà không phải nhượng bộ bất kỳ điều gì. Thậm chí, các lực lượng Iran hay các nước khác dù ở tuyến đầu trong cuộc chiến song Nga vẫn là người chỉ huy các trận chiến này.
Chiến thắng được dự báo của các lực lượng thuộc phe Tổng thống Assad, hiện đã giành lại được trên 80% lãnh thổ trước đó do lực lượng phiến quân kiểm soát, trước hết chính là chiến thắng của Nga. Chiến thắng này là kết quả của một chiến lược được xây dựng ngay từ khi Nga bắt đầu tiến hành can thiệp vào tháng 9/2015 nhằm đảm bảo an ninh, giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Syria, loại bỏ các lực lượng nổi dậy - vốn yếu kém hơn và bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc một khi các bên khác không còn ở vị thế có thể yêu cầu Tổng thống Assad buộc phải ra đi.
Trước hết, ưu thế lớn của Nga là kết quả của một việc đã rồi: Moskva tiến hành can thiệp quân sự nhằm cứu chính quyền Tổng thống Assad vào đúng thời điểm Damascus tỏ ra yếu thế và điều này giúp Nga làm chủ các cuộc đàm phán ngoại giao. Trái ngược với Nga, Mỹ lại không mong muốn can dự sâu hơn vào cuộc xung đột tại Syria và ưu tiên cho cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nên Mỹ đã để cho Nga làm như vậy ở Syria.
Ngoài ra, một số vấn đề quốc tế hiện nay cũng đang có lợi cho Nga. Cuộc khủng hoảng người di cư và các cuộc tấn công khủng bố diễn ra tại châu Âu gây ra sự lo lắng sâu sắc cho dân chúng tại các nước này đã buộc chính phủ các nước EU ưu tiên tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Hai cuộc khủng hoảng này đã gây ra một dạng tâm lý mệt mỏi, sợ hãi tại châu Âu. Vài tháng sau đó, vấn đề Brexit (việc Anh rời khỏi EU) tiếp tục góp phần làm yếu đi nữa vai trò của EU.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng sẽ có hành động tương tự nếu như hiện thực hóa các tuyên bố của mình. Thất bại của bà Hillary Clinton, người mong muốn thông qua một đường lối cứng rắn hơn đối với Nga nhất là trong vấn đề Syria, đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng cuối cùng của lực lượng đối lập.
Các nước phương Tây giảm can dự, chỉ còn lại Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia tiến hành trợ giúp các lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, do bị sa lầy trong cuộc xung đột tại Yemen, Riyad đã phải chấp nhận giảm sự can dự vào cuộc xung đột ở Syria. Trong khi đó, Ankara đã củng cố quan hệ với Moskva và đã quyết định can thiệp vào Syria ngay sau vụ đảo chính bất thành diễn ra ở nước này.
Nhưng sự can dự này lại là một cái giá rất đắt đối với lực lượng đối lập ở Syria bởi vì rất nhiều lực lượng thuộc quân nổi dậy đã được Ankara huy động cho cuộc chiến ở miền Bắc Syria, do đó đã làm yếu đi sức mạnh ở mặt trận Aleppo.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ rơi Aleppo để có thể tập trung can thiệp chống lại phe người Kurd và IS ở miền Bắc Syria, tạo thuận lợi cho lực lượng quân đội Assad. Tại Aleppo, Nga đã giành thắng lợi một phần và giành thế chủ động. Chiến thắng này của Nga mang tính quyết định nhưng chưa phải là chiến thắng cuối cùng vì tình hình tại Syria vẫn còn rất phức tạp và Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập lại trật tự tại Syria.
Theo TTK/Báo Tin Tức

Bình luận(0)