Kiềm chế IS: Sự lựa chọn duy nhất còn lại của Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Không thể đem bộ binh đánh phiến quân IS, chính quyền Obama chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là kiềm chế Nhà nước Hồi giáo  bành trướng khắp Trung Đông.

Đó là nhận định của cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách tài chính Dov S. Zakheim (2001-2004)  và từng là Điều phối viên tái thiết Afghanistan của Lầu Năm Góc trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2004.
Chiến lược đối phó IS của Mỹ đã thất bại
Theo Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Dov S. Zakheim, chiến lược  đối phó IS hiện tại của Mỹ đã thất bại. Nhiều nhà bình luận đã chỉ ra rằng những đánh giá tình hình  của chính quyền Obama dường như đang thay đổi, nhưng vẫn duy trì giai điệu lạc quan ngày càng xa rời thực tiễn.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách tài chính Dov S. Zakheim (2001-2004)  
Chính quyền Obama từng tin rằng phiến quân IS đang tháo chạy trước sức mạnh Không quân Mỹ kết hợp với quân đội Iraq và lực lượng nổi dậy Syria ngày càng được huấn luyện tốt hơn.
Rõ ràng là phiến quân IS không tháo chạy. Tuy có thể đã thất trận ở Tikrit (Iraq) và Kobane (Syria), nhưng việc đánh chiếm các thành phố lớn như  Ramadi (Iraq) và thành phố chiến lược Palmyra (Syria) cho thấy sức mạnh không thể coi thường của Nhà nước Hồi giáo.
Những chiến thắng nói trên, đặc biệt là Ramadi, đã giúp phiến quân IS có trong tay các loại vũ khí cao cấp.  Hơn nữa, các chiến thắng này hỗ trợ cho bộ máy tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo trong việc tuyển mộ tân binh ở Syria, Iraq và ở nước ngoài.
Thế còn quân đội Iraq thì sao? Một lần nữa, quân đội Iraq lại  thất bại thảm hại. Một lần nữa, quân đội Iraq lại tháo chạy và để các loại vũ khí mà Mỹ cung cấp rơi vào tay phiến quân IS. Quân đội Iraq hiện nay cũng bạc nhược không kém gì quân đội của Saddam Hussein bị sụp đổ nhanh chóng trước sự xâm lược của liên quân do Mỹ cầm đầu trong năm 2003. Sự kém cỏi của quân đội Iraq cho thấy công lao hàng chục năm huấn luyện của Mỹ “đổ xuống sông, xuống biển”.
Phe đối lập Syria xem ra cũng chẳng mấy khả quan hơn. Ít được phương Tây hỗ trợ về vũ khí và huấn luyện, phe đối lập Syria không phải là đối thủ của phiến quân IS và các lực lượng thánh chiến cực đoan có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Các khoản viện trợ dành cho phe đối lập xem ra chỉ nhằm đánh đổ chính quyền Syria, chứ không phải để đối phó với Nhà nước Hồi giáo. Trong suốt bốn năm nội chiến vừa qua, phương Tây đã nhiều lần tiên đoán sự sụp đổ của Tổng thống Assad. Thế nhưng, ông này vẫn tại vị ở thủ đô Damascus và chiến tranh vẫn kéo dài.
Iran rõ ràng là một bên hưởng lợi trong cuộc chiến đã gắn kết hai chính phủ Iraq và Syria. Việc chính phủ Iraq tuyệt vọng kêu gọi lực lượng dân quân Shi’ite có quan hệ gắn bó với Iran giúp chiếm lại Ramadi cho thấy rõ điều đó. Ở Syria, tất cả các dự đoán đều cho rằng các lực lượng chính phủ đang lâm vào thế thủ. Thế nhưng, cùng với đồng minh Hezbollah thiện chiến, Tổng thống Assad vẫn ngăn chặn được đà tiến quân của Nhà nước Hồi giáo và không chịu buông súng bỏ chạy như quân đội Iraq ở Ramadi.
Đơn thuốc bất đắc dĩ cho căn bệnh bất trị
Vậy tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với  Washington?
Thứ nhất, Washington vẫn hy vọng có thể đánh bại Nhà nước Hồi giáo mà không cần sử dụng đến bộ binh. Đó chính là hy vọng hão huyền. Do chính quyền Obama không điều động hàng trăm ngàn quân đến tham chiến ở Iraq và Syria, chiến thắng cuối cùng trước phiến quân IS xem ra là điều không thể.
Thứ hai, bởi vì không thể đánh bại Nhà nước Hồi giáo mà không sử dụng đến lực lượng bộ binh, Mỹ sẽ buộc phải tiếp tục dựa vào Iran và các đồng Shi’ite của nước này ở cả Iraq lẫn Syria để đối đầu với lực lượng của Nhà nước Hồi giáo. Nếu càng làm như vậy, Washington càng phải hợp tác hơn nữa với Tehran trong việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Qua đó, cánh cửa sẽ được mở rộng cho quan hệ đối tác Mỹ-Iran trong cuộc chiến chống phiến quân IS.
Kiem che IS banh truong: Su lua chon duy nhat cua My-Hinh-2
Việc chính quyền Obama tránh bị lôi vào cuộc xung đột Trung Đông cũng là điều dễ hiểu. 
Việc chính quyền Obama tránh bị lôi vào cuộc xung đột Trung Đông cũng là điều dễ hiểu. Sau 13 năm chiến đấu trong khu vực, người Mỹ vẫn không hiểu rõ bản chất của những kẻ mà họ đang chống lại hoặc những người mà họ đang ủng hộ.  Cuộc chiến ở Iraq và Syria phản ánh cả sự  kình địch tôn giáo lẫn kình địch quốc gia. Đây chính là điều mà người ngoài cuộc như Mỹ không thể nào dàn xếp.
Do  ít có khả năng các nước phương Tây đem quân đánh bại IS,  các cường quốc khu vực kình chống nhau được hy vọng sẽ làm điều này hoặc phải chờ cho đến khi Nhà nước Hồi giáo tự sụp đổ.
Trong khi đó, Mỹ cần phải kiềm chế sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo. Để làm được điều này, Mỹ cần phải duy trì một mạng lưới quan hệ phức tạp giữa các đối tác đôi khi có lợi ích trái ngược nhau. Đó là lực lượng người Kurd ở miền bắc Iraq và đông bắc Syria, không quân Mỹ và đồng minh và lực lượng dân quân Shi’ite. Đó là chưa kể quân chính phủ Iraq.
Chiến lược kiềm chế Nhà nước Hồi giáo đòi hỏi Mỹ phải tăng cường vũ trang cho người Kurd, đào tạo quân nổi dậy Syria và tăng cường huấn luyện quân đội Iraq vốn khá bạc nhược.
Kiềm chế là một đơn thuốc bất đắc dĩ cho một căn bệnh bất trị, nhưng xem ra chính quyền Obama không còn có lựa chọn nào khác.
Minh Châu (Theo National Interest)

Bình luận(0)