“Khủng hoảng con tin” Triều Tiên-Malaysia đi đến đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Theo giới chuyên gia, cuộc “khủng hoảng con tin” Triều Tiên-Malaysia chỉ có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao, chứ không thể bằng các phương tiện quân sự.

Giáo sư Tiến sĩ Christoph Bluth, một chuyên gia về an ninh và quan hệ quốc tế tại Đại học Bradford (Anh), cho rằng cấm công dân Malaysia rời Triều Tiên của Bình Nhưỡng vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đòi hỏi Liên Hợp Quốc phải hành động khẩn cấp. Giáo sư Bluth nói với trang mạng Malay Mail Online: “Tôi không nghĩ rằng vụ việc này sẽ dẫn đến chiến tranh vì Malaysia không thể và cũng không nên tấn công Bắc Triều Tiên. Nhưng đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và có thể lôi kéo sự can dự của các cường quốc”.
“Khung hoang con tin” Trieu Tien-Malaysia di den dau?
Cảnh sát Malaysia phong tỏa Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: The New Daily 
Quan hệ Triều Tiên-Malaysia xấu đi trông thấy sau cái chết của công dân Triều Tiên Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un) ở Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.
Liên quan đến cuộc "khủng hoảng con tin", ngày 7/3, Bình Nhưỡng đột ngột tuyên bố cấm công dân Malaysia rời CHDCND Triều Tiên, dẫn đến việc Kuala Lumpur trả đũa bằng cách cấm công dân Triều Tiên rời Malaysia và phong tỏa Đại sứ quán Triều Tiên ở nước này. Phía Malaysia cho rằng một số nghi phạm trong vụ đầu độc ông Kim Chol đang ẩn náu ở đây.
Ông Asri Salleh, một học giả người Malaysia chuyên về quan hệ quốc tế, cho rằng hai bên đang trải qua “một cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao bình thường” và cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng này là sử dụng phương tiện ngoại giao.
Nhà phân tích người Malaysia Shahriman Lockman làm việc cho Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói rằng lệnh cấm đi lại của Triều Tiên không phải là hành động tuyên chiến. Tuyên bố của Bình Nhưỡng cũng nói rõ các công dân Malaysia bị cấm ra khỏi CHDCND Triều Tiên vẫn có thể làm việc và sinh sống bình thường như trước đây.
Ông Shahriman Lockman cho rằng phía Malaysia cần đề cao cảnh giác trước các cuộc tấn công mạng như đã từng xảy ra với hãng Sony Pictures trong năm 2014, nhưng sẽ không có các cuộc tấn công quân sự nhắm vào nước này. Ông nói tiếp: “Sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên là để đối phó với những mối đe dọa an ninh chính: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng biết rõ rằng nếu sử dụng sức mạnh quân sự, họ sẽ bị thất bại. Trên thực tế, Bắc Triều Tiên tỏ ra khá thực tế”.
Nhà ngoại giao Malaysia về hưu Hamzah Majid cho rằng việc cấm đi lại của Triều Tiên có thể dẫn đến một cuộc “khủng hoảng con tin”, chứ không thể dẫn đến chiến tranh với Malaysia.
Minh Châu (Theo Malay Mail Online)

>> xem thêm

Bình luận(0)