IS thúc đẩy các bên giải quyết cuộc nội chiến Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Thật trớ trêu, IS đang thúc đẩy phương Tây và Nga tiến tới việc giải quyết cuộc nội chiến Syria, nhưng hai bên vẫn bất đồng về tương lai của Tổng thống Assad.

Phương Tây và Nga đang tiến gần một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến  Syria. Đây là điều mà nhiều người cho rằng chính phiến quân IS đã gián tiếp thúc đẩy, thông  qua các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris và đánh bom máy bay chở khách Nga ở Ai Cập.
IS thuc day cac ben giai quyet cuoc noi chien Syria?
Quang cảnh đàm phán về Syria ở Vienna.
Nhà phân tích Eugene Rogan, giám đốc của Trung tâm Trung Đông thuộc  Đại học Oxford cho biết: "Có một sự thực dụng mới đang nổi lên ở Châu Âu trong việc làm việc với Nga và Iran...hướng tới một giải pháp chính trị (cho cuộc nội chiến Syria)".
Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường dẫn đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria,  trong bối cảnh phương Tây vẫn dè dặt với việc đưa bộ binh tham chiến và bất đồng chưa được giải quyết với Nga về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Giải pháp chính trị
Phát biểu bên lề của Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tán thành ý kiến của  Tổng thống Pháp Hollande nói rằng các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris là “thời khắc quan trọng”. Ông Obama nói tiếp: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc... mang lại một sự chuyển tiếp hòa bình ở Syria và để loại bỏ (IS) một thế lực đang gây ra rất nhiều đau khổ cho người dân ở Paris, Ankara và ở những nơi khác trên thế giới".
Thế nhưng, những nỗ lực để diệt trừ IS do Mỹ cầm đầu đã trở nên phức tạp sau khi Nga phát động chiến dịch không kích phiến quân ở Syria, với một lực lượng viễn chinh bao gồm khoảng 50 máy bay tấn công và binh sĩ bảo vệ căn cứ. Hiện thời, có một sự đồng thuận ngày càng gia tăng rằng Nga đã giúp thay đổi đối thoại ngoại giao, đặc biệt về ý kiến cho rằng không thể lật đổ Tổng thống Assad vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” hiện nay.
Ông Sergei Karaganov, một chuyên gia Nga cao cấp về chính sách đối ngoại, nói rốt cuộc phương Tây cũng nhận ra rằng để tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, người ta không thể bó qua chính quyền Assad  và một số lượng lớn những người mà chính quyền này đại diện. Ông Karaganov khẳng định: “Chính quyền này đã không thể tồn tại hơn 4 năm qua, nếu không có gốc rễ  xã hội mạnh mẽ”. Ông cho rằng “Nga phải là một phần của giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Syria.
Theo ý kiến chuyên gia, các cuộc tấn công khủng bố ở Paris sẽ khiến cho Châu Âu cảm thấy áp lực ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng người tị nạn và chuyển sang một giải pháp thương lượng cho vấn đề Syria.
Theo ông  Andrei Klimov - Phó chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), trong hơn 10 ngày qua, các cuộc đàm phán về Syria tại Vienna  đã đạt được tiến bộ hơn tất cả những gì đã đạt được trong bốn năm trở lại đây. Các bên tham gia đàm phán Vienna đã đạt được thỏa thuận về một dự thảo sơ bộ của quá trình chuyển tiếp  dẫn đến lệnh ngừng bắn, một hiến pháp mới của Syria và cuộc bầu cử mới trong vòng 18 tháng.
Điều quan trọng là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cùng nhau công bố điều này tại thủ đô Vienna trong  ngày Thứ Bảy (14/11) vừa qua.
Ông Klimov nói tiếp: "Nhiều việc đã xảy ra khá nhanh chóng trong bối cảnh Nga canh thiệp quân sự ở Syria. Thật thú vị khi lưu ý rằng các sáng kiến của chúng tôi cuối cùng đã tạo ra một số lực đẩy... Chúng tôi thấy có sự chuyển động và chúng tôi hy vọng”.
Một trong những thỏa thuận quan trọng đạt được ở Vienna chính là sự đồng thuận chung về việc bất kỳ chính phủ Syria nào kế nhiệm chính phủ Assad đều phải là "thế tục". Điều đó sẽ loại trừ hầu hết các nhóm thánh chiến chống chế độ Assad.
Những hạn chế của giải pháp quân sự
Trong khi đó, Mỹ và Châu Âu đang cân nhắc những các bước tiếp trong việc can thiệp quân sự vào Syria. Pháp đã lệnh máy bay chiến đấu tiến hành một cuộc không kích lớn đêm Chủ Nhật (15/11) ở Raqqa, một thành phố ở Syria mà IS tuyên bố là thủ đô của Đế chế Hồi giáo (Caliphate). Mỹ cũng công bố kế hoạch tăng cường các cuộc không kích, nhưng vẫn không đưa bộ binh tham chiến. Phó cố vấn An ninh Quốc gia Benjamin J. Rhodes ngày 15/11 cho biết:  "Việc đưa thêm quân Mỹ  tham chiến trên mặt đất ở Trung Đông không phải là cách để đối phó với những thách thức hiện nay".
Không giống như Pháp và Mỹ, chính phủ Anh đã không được quốc hội nước này cho phép tiến hành các cuộc không kích chống IS ở  Syria, trong bối cảnh người Anh đã quá mệt mỏi với cuộc chiến ở Iraq và các chính trị gia hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch không kích IS ở Trung Đông.
Vẫn bất đồng về tương lai của Tổng thống Assad
Vấn đề Tổng thống Assad và liệu ông ta có được phép tham gia các cuộc bầu cử mới vẫn là trở ngại chính đối với việc giải quyết cuộc nội chiến Syria. Mỹ và các đồng minh quả quyết rằng trong khi Assad có thể được phép đóng một vai trò nào đó trong quá trình chuyển tiếp, ông ta phải nhanh chóng từ bỏ quyền lực. Người Nga cũng nói rằng họ sẽ không mãi mãi gắn bó với Assad, nhưng vẫn còn mơ hồ về việc khi nào và làm thế nào mà ông ta có thể từ bỏ quyền lực.
Điều đó có thể cản trở tiến trình hòa bình vì hầu hết quân nổi dậy Syria khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ hợp tác với Tổng thống Assad.
Nhà báo Sergei Strokan, chuyên bình luận các vấn đề quốc tế của nhật báo Nga  Kommersant,  nói: "Một trong những vấn đề nổi cộm ở Vienna là các bên vẫn không có bất kỳ định nghĩa nào về quân nổi dậy 'ôn hòa', trong khi tất cả các bên đều đồng ý cần phải loại trừ  IS và Al Qaeda.... Điều cần thiết là phải xác định được các lực lượng có thể sẵn sàng ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán và sau đó tham gia vào một chính phủ lâm thời. Điều này đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lần và hoàn toàn có thể xảy ra ở Syria. Nhưng không một nhóm nổi dậy nào tiếp cận với Nga và tham gia quá trình hòa giải, trước khi có sự rõ ràng về tương lai của Tổng thống Assad. Đã đến lúc chính phủ Nga phải nghiêm túc giải quyết vấn đề này”.
Minh Châu (Theo CSM)

Bình luận(0)