Hoàng Sa và Trường Sa: Sự đe dọa của "đường lưỡi bò"

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhà sử học Alexei Syunnerberg, tranh chấp xung quanh các hòn đảo ở Biển Đông là cuộc xung đột kéo dài lâu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Sau đây là bài viết của nhà sử học người Nga Alexei Syunnerberg trên trang mạng Sputnik ngày 25/8/2016:
Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, tức là vấn đề này có thể được giải quyết bằng đàm phán song phương.
Nếu nói về cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa thì chuyên gia phân tích Việt Nam Tiến sĩ Trần Trường Thủy nhận xét đúng đắn rằng, quá trình giải quyết vấn đề này là phức tạp hơn bởi vì có liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia, đây là ván cờ chính trị phức tạp, đan xen lợi ích của nhiều nước. Vì vậy, vấn đề các quần đảo ở Biển Đông thật là độc đáo vì có mâu thuẫn mức độ cao nhất và nhiều nước tham gia vào cuộc xung đột.
Sau sự thất bại của Pháp trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Trung Quốc đã chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, mặc dù theo Công ước Geneva, văn kiện mang chữ ký của Trung Quốc, quần đảo thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa với thủ đô đặt tại Sài Gòn.
Sau khi ký kết hiệp định Paris — chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam —, Trung Quốc rất nhanh chóng tổ chức chiến dịch chiếm các đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, chiếm đóng toàn bộ quần đảo này không chờ đợi sự tái thống nhất Việt Nam. Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã kháng cự quyết liệt trong 5 ngày. Thậm chí đã sẵn sàng đưa các tàu chiến lên bờ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Họ đã hy vọng vào sự yểm trợ của Hạm đội 7 Mỹ.
Một sĩ quan của quân đôi Sài Gòn tên là Lê Vinh hồi tưởng lại: "Những người bạn Mỹ đã quay lưng lại với chúng tôi, thậm chí không giúp giải cứu những người lính đã bị Trung Quốc bắt làm tù binh".
Cũng cần nói thêm rằng, không có nước nào trên thế giới công nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Nếu nói về quần đảo Trường Sa, thì theo một số dữ liệu đòi hỏi phải xác thực, Việt Nam đang kiểm soát khoảng 25 đảo, Philippines — 8 đảo, Malaysia — 3 đảo, Đài Loan — một hòn đảo lớn nhất. Trung Quốc đang kiểm soát 9 bãi đá ngầm, rạn san hô và đang ồ ạt xây dựng các công trình quân sự trên các “đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp trái phép.
Hoang Sa va Truong Sa: Su de doa cua
 Đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện bị Đài Loan chiếm giữ. Ảnh AP
Các nhà sử học Trung Quốc nói rằng ngay trước Công nguyên, các nhà địa lý của nhà Hán đã biết về quần đảoTrường Sa và vào năm 1211 quần đảo này đã được vẽ trên bản đồ của Trung Quốc; 500 năm sau đó Trung Quốc đã viết về quyền sở hữu Trường Sa. Tuy nhiên, trên nhiều bản đồ thời nhà Minh thấy rõ đảo Hải Nam là cực nam biên giới của Trung Quốc, không có Hoàng Sa và Trường Sa. Trên các bản đồ bản đồ thời nhà Thanh từ năm 1848 đến năm 1905 cũng không có hai quần đảo này. Trong năm 1895 triều đình Trung Hoa đã gửi văn bản chính thức cho Chính phủ Anh trong đó viết rõ rằng quần đảo Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hơn nữa, vào năm 1906, Bắc Kinh đã phát hành sách giáo khoa địa lý, trong đó lãnh thổ của đất nước không bao gồm quần đảo Trường Sa.
Nhưng, trong năm 1947, Tổng thống Trung Hoa dân quốc Tưởng Giới Thạch đã ký sắc lệnh, theo đó tất cả các hòn đảo ở vùng Biển Đông được đưa vào khu hành chính Hải Nam. Trong năm 1958, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã nói lên tham vọng với các đảo này.
Trong năm 1987, hải quân Trung Quốc bắt đầu tuần tra khu vực biển quần đảo Trường Sa. Rồi vào tháng Ba năm 1988, trong vụ đụng độ chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) Trung Quốc đã bắn cháy ba tàu vận tải của Việt Nam.
Hoang Sa va Truong Sa: Su de doa cua
"Đường lưỡi bò" tham lam phi lý do người Trung Quốc tự vẽ vào giữa Thế kỷ 20 nhằm nuốt trọn Biển Đông. Ảnh GDVN
Còn hiện nay, Trung Quốc thông báo đặt Hoàng Sa và Trường Sa vào cái gọi là “đường chín đoạn” mà người Việt Nam hay gọi là “đường lưỡi bò”. Bắc Kinh dựa vào "quyền lịch sử" tuyên bố chủ quyền đối với 80% Biển Đông, có tham vọng nuốt trọn diện tích trên 2 triệu km vuông.
Phán quyết của Tòa án Hague đã chứng minh về mặt pháp lý rằng Trung Quốc không có căn cứ khi đưa ra những tham vọng như vậy. Các đại biểu tham gia Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang đã nói lên ý kiến này.
Nhà khoa học chính trị Nga, Giáo sư Dmitry Mosyakov - đại biểu dự hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Nha Trang - nói: "Sau phán quyết PCA nhiều vấn đề bức xúc đã ra khỏi chương trình nghị sự, không còn nội dung để tranh cãi. Ở đây nói trước hết về cái gọi là ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc".
Minh Châu (Theo Sputnik)

Bình luận(0)