Hành trình của binh sĩ người Armenia ở đông Ukraine (kỳ 1)

Google News

(Kiến Thức) - Lời kể của 1 binh sĩ tình nguyện người Nga từng chiến đấu trong lực lượng phiến quân miền đông Ukraine cho thấy sự phức tạp của lực lượng này.

Artur Gasparyan năm nay 24 tuổi. Anh sinh ra ở Spitak, từ năm 2008 đến 2010 phục vụ tại Nagornyi Karabakh (vùng có tranh chấp giữa Armeniya và Azerbaizhan), đã tham gia các chiến dịch đặc biệt, năm 2011 đến Moscow tìm việc làm.
Sau sự kiện ngày 02/5 ở Odessa , khi nhà Công đoàn bị đốt và hàng chục người đã bị giết, Gasparyan đã ghi tên vào nhóm trên mạng “VKontakt” chuyên tuyển tình nguyện viên đến miền đông Ukraine và nhận được sự đồng ý.
 Chiến sĩ  tình nguyện Artur Gasparyan đến từ Armeniya từng chiến đấu ở tiểu đoàn “Vostok” do Aleksandr Khodakovskiy chỉ huy.
Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Svoboda, anh kể về thời gian ở Ukraine và nguyên nhân khiến anh quyết định đi khỏi đó:
Hành trình vào Ukraine
Khoảng mười người chúng tôi đến cuộc gặp ở khu vực Trung tâm triển lãm toàn Nga. Chúng tôi trò chuyện dưới vòm nhà chung cư, một người đàn ông mặc thường phục từ trong nhà ra gặp chúng tôi, ông ta không tự giới thiệu. Điều đầu tiên ông ta hỏi chúng tôi có biết dùng vũ khí không, cảnh báo là sẽ có chuyến công tác đến Slavyansk, nghĩa là chúng tôi đi vào chỗ chết chóc, nếu hôi của sẽ bị bắn ngay tại chỗ, tiện thể nói luôn, tôi đã nhiều lần chứng kiến việc này sau khi đến Ukraine. Hai người lập tức nghĩ lại và bỏ đi.
Người ta có hứa trả tiền không?
Không có tiền trả hàng ngày, không có công tác phí, chỉ có ăn uống, quân trang, vũ khí không mất tiền và sự đảm bảo là thi thể sẽ được chở về Rostov và trả cho thân nhân, tất nhiên nếu như tìm ra được. Đã có yêu cầu rất nghiêm khắc phải hủy mọi thông tin trên các trang mạng, loại bỏ hết mọi thông tin cá nhân trên mạng xã hội, điều này tôi đã hoàn tất– hủy mọi ghi chép trên “VKontakt” và “Odnoklassniki”.
Các anh đã đến biên giới Ukraine bằng cách nào?
Sáng ngày 12/5 tốp chúng tôi lên hai chiếc xe con, xuất phát về hướng Nam, sau một ngày đêm thì đến Rostov. Lái xe cũng là những người tình nguyện, tiện thể, một người đã hi sinh. Người ta đưa chúng tôi đến “căn cứ”, mấy ngôi nhà nhỏ cạnh bờ sông nhỏ, ngay kề bên là rừng, gọi là “màu xanh lá cây”, tôi không biết địa chỉ, người ta thu bản đồ đi đường của chúng tôi, chúng tôi ký gửi điện thoại, tư trang có thống kê đầy đủ, thay đồ người ta phát.
Các anh ở “căn cứ” bao lâu?
Gần hai tuần lễ. Hàng ngày luôn có các bạn trẻ mới đến, đến cuối thời gian này chúng tôi có đến khoảng cả trăm người. Không có ngày nào nghỉ, chế độ trong ngày theo kiểu quân đội: báo thức, chạy, ăn sáng, luyện tập, tập định hướng trên địa hình trống, trong rừng, tập các động tác.
Động tác gì vậy?
Chúng tôi được dạy cách giao tiếp với nhau bằng cử chỉ và ra dấu hiệu để nhận biết nhau, nói chuyện rất khẽ ban đêm, ra hiệu lệnh– lùi, tiến, đứng lại, nằm xuống, có nguy hiểm .v.v… Bây giờ tôi có thể nói chuyện bằng ra hiệu tay như người câm điếc. Dạy chúng tôi là một hướng dẫn viên mặc thường phục, ông này, giống như tất các thủ trưởng lớn nhỏ khác, đều không tự giới thiệu. Chúng tôi không biết tên thật của nhau, chỉ biết mật danh, đến bây giờ tôi không biết tên nhiều bạn trẻ đã cùng tôi rơi vào địa ngục này và đã chết.
Anh có kinh nghiệm đánh nhau trước khi đến Ukraine không? Bởi vì ở Nagornyi Karabakh không phải là cuộc chiến thực sự.
Ở đó chủ yếu chỉ là đấu súng qua lại, bắn súng phóng lựu và súng cối, tóm lại, cuộc chiến trận địa uể oải. Nhưng dẫu sao tôi cũng biết về chiến tranh nhiều hơn một số bạn trẻ.
Chỗ các anh có những người dân tộc chủ nghĩa Nga hẹp hòi không?
Tôi không thấy những người dân tộc hẹp hòi, dù cơ bản ở căn cứ là người có ngoại hình Slavơ, tôi không biết họ là người Belarus, Nga hay Ukraine, đó là các bạn trẻ tốt, yêu nước, không ai trong họ nhìn tôi với ý coi thường. Có không ít chàng trai đến từ Kavkaz, người Armeniya từ Krasnodar, từ Krivoi Rog của Ukraine, người Chechniya thì đến sau một chút, tôi đã chơi thân với mấy người, một người gọi là Ryzhik, người kia là Maloi. Cả hai đã chết trên những xe ôtô KamAZ.
Các anh đã vượt biên giới như thế nào?
Hôm 23/5 khoảng nửa đêm chúng tôi đi khỏi “căn cứ”, khoảng 100 người trên các xe KamAZ quân sự. Người dẫn đường chúng tôi đi xe Niva, chúng tôi đi mấy giờ liền, dừng lại ở biên giới, khoảng 50 người nữa từ các “căn cứ” khác đã nhập vào đoàn của chúng tôi, chúng tôi nhận vũ khí: súng phóng lựu, súng máy, tiểu liên, súng ngắn và lựu đạn, sau đó lại lên xe.
Các anh được huấn luyện xạ kích chứ?
Trong chúng tôi có các xạ thủ súng phóng lựu. Tôi trở thành chỉ huy khẩu đội súng máy, chỉ huy từ ba đến sáu người. Chuyên ngành của tôi được xác định bằng mã chuyên dùng ghi trên thẻ quân nhân. Thẻ có ghi số mà tôi không để ý. Khi có người điện đến, họ yêu cầu dở trang nhất định nào đó, đọc mã số, thế là họ biết phải dùng tôi theo chuyên ngành nào. Chắc là họ làm việc riêng với từng người.
Họ là ai vậy? FSB ( Cơ quan An ninh Liên bang Nga), GRU (Cơ quan tình báo Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Nga), MVD (Bộ Nội vụNga)? Những người đón, dạy dỗ, huấn luyện các anh, chuyển các anh qua biên giới Nga– Ukraine là ai vậy?
Tôi không biết họ tên. Đó là những người có ngoại hình Slavơ, tất cả mặc thường phục. Thậm chí gương mặt họ tôi cũng không nhớ.
Các anh vượt biên giới lúc mấy giờ?
Ngày 24/5, gần sáng. Trên đất Ukraine các đại diện cao cấp của Cộng hòa Nhân dân Donesk tự xưng (DNR) đã đón chúng tôi. Họ chiếm được một đơn vị (cấp trung đoàn trở lên) quân đội nào đó ở Donetsk, đội của chúng tôi được đưa vào doanh trại. Chúng tôi đã ngủ bù suốt ngày, tắm rửa sạch sẽ, ngày 25/5 chúng tôi ngồi trên xe “KamAZ” tham gia cuộc duyệt binh nổi tiếng trong thành phố, khi đó xuất hiện người Chechniya. Họ đã trả lời phỏng vấn, bắn chỉ thiên, lấy tư thế đứng cho quay phim chụp ảnh. Dân chúng rất hứng khởi và đón những người tình nguyện từ Nga tới như những người giải phóng. Đến chiều tối thì chúng tôi trở về doanh trại.
(còn tiếp)
Nguyễn Vũ (theo SVoboda)

Bình luận(0)