Hàn Quốc: Mối đe dọa từ Triều Tiên “chưa từng có”

Google News

(Kiến Thức) - Hàn Quốc không chấp nhận Triều Tiên là một nhà nước có vũ khí hạt nhân, nhưng dường như không có sự đồng thuận quốc tế để ngăn chặn chuyện đó. 

 Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se.

Ngày 21/5 tại Seoul, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se mô tả những hành động đe dọa hung hăng của Bình Nhưỡng là nhiều mặt, thường xuyên và táo tợn hơn so với trước đây.

Phát biểu tại diễn đàn do nhật báo JoongAng và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở Washington tổ chức, theo VOA, Ngoại trưởng Yun Byung-se nói rằng Triều Tiên tiến hành một cuộc “chiến tranh tâm lý” chưa từng có. Bất chấp thực tế đó, Tổng thống Park Geun Hye sẽ tiếp tục tiến trình xây dựng lòng tin, nhưng không nên xem đó như là một sự nhân nhượng hay có dụng ý không xem trọng lãnh đạo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Yun cũng cảnh báo rằng sự chấp nhận của Hàn Quốc là có giới hạn. Ông nói: “Ðể bảo đảm hòa bình, chúng tôi không bao giờ cho phép một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ phải trả một giá tương đương với những hành động khiêu khích của họ”.
 
Phát biểu trước đó tại diễn đàn này, Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Lugar (cựu chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Mỹ) mô tả mối đe dọa của  Triều Tiên “mang bản chất toàn cầu” chứ không phải là mối đe dọa “bằng tầm bắn của tên lửa”. Ông cảnh báo chính sách “kiên nhẫn sách lược” của chính quyền Obama đối với Bình Nhưỡng không phải là vô hạn định.

Ông Lugar nói: "Nếu cứ tiếp tục áp dụng kiên nhẫn sách lược chẳng khác nào là một sự biện minh cho việc né tránh vấn đề và các hậu quả chính trị có thể của một hành động sai lầm.  Chính quyền của Tổng thống Obama nên tỉnh táo hơn về những gì có thể đạt được trong ngắn hạn, nhưng phải sẵn sàng xem xét nhiều sách lược hơn, ngay cả những chiến lược có thể kèm theo một vài rủi ro."
 
Cựu thượng nghị sĩ này gợi ý rằng cần phải áp dụng những biện pháp mới để kiềm chế những hoạt động bất hợp pháp của các công ty Triều Tiên mà ông gọi là “phương tiện phổ biến hạt nhân và việc quảng bá công nghệ vũ khí”.

Ông Michael Green của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tỏ ý nghi ngờ các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể thay đổi một cách cơ bản ý định của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Victor Cha, một đồng sự của ông Green, nói rằng cần phải có những chuẩn bị cho tình hình bất ổn ở Bắc Triều Tiên.  Ông không đồng ý với quan điểm cho rằng những người đưa ra quyết định của Bình Nhưỡng “tự đẩy mình vào một góc tường và không thể thoát ra được”.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage đề nghị nên nói với Triều Tiên rằng họ phải chọn giữa vũ khí giết người hàng loạt và thay đổi chế độ.

Người ta cho rằng Triều Tiên có một kho vũ khí hạt nhân nhỏ và nước này đang phát triển tên lửa  đạn đạo có thể mang theo vũ khí hạt nhân. Mới đây Bình Nhưỡng đã đe dọa tấn công hạt nhân Mỹ, một đe dọa mà hầu hết các nhà phân tích cho là không khả thi.

Từ ngày 19/5, Triều Tiên đã phóng 6 tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía đông nước này. Cả Seoul lẫn Washington đều nói rằng những vụ phóng tên lửa mới đây hình như không vi phạm các trách nhiệm quốc tế của Bình Nhưỡng.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Bình

Bình luận(0)