Dự đoán chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Donald Trump

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà quan sát trên toàn thế giới đang cố dự đoán chính sách đối ngoại Mỹ sẽ thay đổi như thế nào dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Trong bài viết đăng trên Sputnik News ngày 11/11, nhà phân tích Andrew Korybko cho rằng mức độ thay đổi chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Donald Trump là có điều kiện và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng những giao dịch thực dụng sẽ cho phép Mỹ quản lý hiệu quả hơn “đế chế toàn cầu”, mặc dù không xóa bỏ được những mâu thuẫn địa chiến lược với các đối thủ lớn.
Du doan chinh sach doi ngoai My duoi thoi Donald Trump
Donald Trump muốn "cách mạng hóa" vai trò của Mỹ trên thế giới. Ảnh USA Today 
Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên tổng thống Donald Trump đã đưa ra rất nhiều lời hứa phi truyền thống và gây tranh cãi về việc ông muốn cách mạng hóa vai trò của Mỹ trên thế giới. Chỉ có điều, nói bao giờ cũng dễ hơn làm.
Hãy bắt đầu bằng cách xem xét các điều kiện và hằng số trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của Donald Trump và sau đó dự báo về việc ông sẽ thực hiện kế hoạch “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” trên chính trường thế giới như thế nào.
Những nét chính
Chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ được xác định bởi việc đàm phán lại thỏa thuận cũ và đạt được các thỏa thuận mới.
Đối với nhóm thứ nhất, Donald Trump muốn thay đổi quan hệ giữa các nước đồng minh, buộc họ phải đóng góp tài chính lớn hơn để nhận được sự bảo vệ của Mỹ.
Ông Trump cũng muốn đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và các hiệp định chưa được phê chuẩn như TTIP với Liên minh Châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để chúng không gây bất lợi cho người lao động Mỹ. Về cơ bản, ông Trump muốn điều chỉnh lại hệ thống kinh tế toàn cầu mà người tiền nhiệm của ông đã theo đuổi. Ông đã đe dọa sẽ đánh thuế 35% đối với các công ty Mỹ sản xuất ở nước ngoài và mang sản phẩm về nước tiêu thụ.
Việc ông Trump tập trung vào các vấn đề đối nội có thể làm suy giảm vai trò “cảnh sát toàn cầu” của Mỹ. Liên quan đến những giao dịch mới, rất có khả năng Tổng thống Mỹ thứ 45 sẽ cố gắng đạt được một số thỏa hiệp với các nước lớn như Nga, Trung Quốc...
Các cuộc chiến địa chiến lược “ủy quyền” trên toàn cầu có thể lắng xuống trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó bùng phát trở lại khi nước Mỹ cảm thấy có đủ điều kiện để quay lại với thói quen cũ của mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thứ 45 khó có thể đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại nói trên, nếu ông Trump là không thể thực hiện cam kết tranh cử về cải cách thể chế và loại bỏ các quan chức quan liêu. Cái điều mà ông Trump đặc biệt cần phải làm là loại bỏ các thế lực tân bảo thủ ủng hộ toàn cầu hóa (trong quân đội, cơ quan tình báo và bộ ngoại giao) và thay thế bằng những người thực dụng dân tộc chủ nghĩa.
Ngay cả khi về mặt lý thuyết, ông Trump có thể loại bỏ tất cả các thế lực nói trên khỏi bộ máy quyền lực, chính sách đối ngoại vẫn bị chi phối bởi các ưu tiên địa chiến lược để duy trì vị thế toàn cầu của Mỹ.
Quan hệ với EU và NATO
Đây là nơi mà thế giới sẽ thấy rõ ràng nhất những ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Donald Trump.
Nhiều khả năng các nước vùng Baltic và Đông Âu sẽ buộc phải trả nhiều tiền hơn cho Mỹ để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự.
Đối với Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với nước Anh “hậu Brexit” và sẽ khuyến khích EU nới lỏng chính sách và dành cho các quốc gia thành viên nhiều chủ quyền hơn. Nếu không, theo ông, sự sụp đổ của EU là không thể tránh khỏi.
Rốt cuộc, chính quyền Trump sẽ “hướng dẫn” EU đi theo con đường dân túy, tương tự như "Cuộc cách mạng Mỹ thứ hai” mà Donald Trump và người ủng hộ ông vừa tiến hành.
Quan hệ với Nga
Donald Trump từng nhiều lần ngỏ ý rằng ông sẵn sàng từ bỏ chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của tổng thống tiền nhiệm và can dự với Nga một cách thực dụng về những lĩnh vực vùng quan tâm. Bất kể ở Ukraine, Syria hay ở nơi khác, các nhà quan sát dự đoán ông Trump có ý định thực hành một chính sách hoàn toàn mới đối với Nga.
Các thế lực bảo thủ mới ở Mỹ sẽ kiếm cớ để khơi dậy “các cuộc chiến ủy thác” chống Nga, nhưng việc hạ nhiệt chiến tranh lạnh mới sẽ giảm bớt gánh nặng cho cả hai bên.
Đông Á và Đông Nam Á
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc là sẽ bị viết lại hoàn toàn hoặc bị thay thế bằng một loạt các thỏa thuận song phương. Mỹ sẽ xuống thang ở Biển Đông nhưng vẫn sẽ duy trì sự hiện diện ở đó.
Trước sự “đào tẩu” của Philippines và Malaysia khỏi “chính sách xoay trục sang Châu Á”, ông Trump sẽ tìm cách đạt được một số loại thỏa thuận để lôi kéo Indonesia trở thành một chiếc neo nới ủng hộ Mỹ trong khu vực.
Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ chuyển từ khiêu khích quân sự trực tiếp sang “chỉ đạo từ phía sau”, thông qua Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ.
Chiến tranh thương mại và tiền tệ Mỹ-Trung Quốc có thể xảy ra vì ông Trump sẽ cố gắng khuyến khích các công ty Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc hoặc trở về Mỹ hoặc chuyển sang các nước khác như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ . Myanmar chắc chắn sẽ được ưu tiên trong tính toán chiến lược của Mỹ, do vị trí địa lý quan trọng của nước này giữa Vịnh Bengal và miền nam Trung Quốc.
Nam Á
Ông Trump sẽ tiếp quản từ Tổng thống Obama mối quan hệ đối tác quân sự-chiến lược mạnh mẽ chưa từng có với Ấn Độ và thậm chí có thể mở rộng sang lĩnh vực kinh tế.
Nước Mỹ dưới thời Donald Trump vẫn mong muốn biến New Delhi thành một "đối trọng" của Bắc Kinh trong khu vực, mặc dù Ấn Độ yếu hơn so với Trung Quốc về các chỉ số kinh tế, xã hội, quân sự và mức độ ổn định.
Trung Đông
Chính quyền Trump có thể sẽ rút khỏi sự can thiệp công khai và phi đối xứng của chính quyền Obama, nhưng sẽ không từ bỏ những thành quả chiến lược đã đạt được.
Như vậy, trong khi có thể hợp tác với Nga và thậm chí quân đội Syria trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, các chiến lược gia trong chính quyền Donald Trump sẽ vẫn theo đuổi "liên bang hóa” Syria (thực ra là chia cắt Syria thành nhiều khu vực. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Trump có thể đưa ra một "đề nghị hòa giải” với Tổng thống Erdogan bằng việc dẫn độ giáo sĩ Gullen để giữ Ankara trong quỹ đạo chiến lược của Washington.
Liên quan đến Israel, Ả-rập Xê-út và Iran, chính quyền Trump sẽ cố gắng cân bằng tất cả các góc của tam giác chiến lược này. Ông Trump không thích Iran vì thỏa thuận hạt nhân, nhưng lại đối kháng với Ả-rập Xê-út vì “cái tội” gián tiếp ủng hộ Nhà nước Hồi giáo. Do đó, rất có thể, ông Trump sẽ khiến cho ba đối thủ này kiềm chế lẫn nhau để lợi ích cuối cùng thuộc về Israel.
Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể yêu cầu Israel phải trả thêm "tiền bảo vệ" cho nước Mỹ, cũng giống như những gì mà muốn các thành viên khác trong NATO làm.
Mỹ Latinh
Quan hệ Mỹ-Mexico dưới thời Donald Trump chắc chắn sẽ thay đổi do cam kết tranh cử đàm phán lại NAFTA và buộc nước láng giềng phía nam phải trả tiền cho bức tường biên giới do ông Trump đề xướng.
Ngoài những thay đổi bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Mexico, chính sách của Washington đối với phần còn lại của Tây bán cầu dự kiến sẽ vẫn như cũ. Mỹ sẽ tiếp tục chống Venezuela và ngấm ngầm phá hoại Cuba thông qua việc "xích lại gần nhau". Donald Trump và bộ sậu của ông sẽ cố gắng khiến cho Mỹ Latinh trở thành sân sau để bảo vệ chủ quyền kinh tế của Mỹ, bất chấp những tổn thất về độc lập chính trị của các đối tác ở Tây Bán Cầu.
Minh Châu (Theo Sputnik News)

>> xem thêm

Bình luận(0)