Đã đến lúc Trung Quốc “run chân” ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Với việc rút giàn khoan Hải Dương 981 trước thời hạn, Trung Quốc dường như đã chùn bước ở Biển Đông?

Lo sợ giàn khoan Hải Dương 981 gặp sự cố khi siêu bão Rammasun đổ bộ
Lý do đơn giản và dễ thấy nhất cho việc rút giàn khoan của Trung Quốc là thời tiết xấu. Một ngày trước khi giàn khoan rút đi, thời tiết đã chuyển xấu do ảnh hưởng của siêu bão Rammasun, được dự kiến sẽ đổ bộ vào đảo Hải Nam 3 ngày sau đó (tầm 18/7). Mặc dù nơi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt được dự báo sẽ không nằm trên đường đi của Rammasun, nhưng không ai đảm bảo rằng, cơn bão sẽ không gây thiệt hại gì cho giàn khoan cũng như tàu và người tại nơi đó. Mặc dù Hải Dương 981 được cho là có thể chịu được bão lớn nhưng vẫn là quá mạo hiểm để giữ cho nó và tàu hộ tống ở giữa đại dương trong thời tiết xấu.
 Chính quyền Trung Quốc đưa ra lời giải thích rằng, do tránh bão  Rammasun nên...
Trung Quốc phải đối mặt với hai lựa chọn. Một là để di chuyển giàn khoan xa hơn về phía nam để ra khỏi đường đi của cơn bão. Điều này sẽ di chuyển giàn khoan sâu hơn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và sẽ khiến cuộc xung đột với Việt Nam leo thang. 
Lựa chọn thứ hai là di chuyển về gần Trung Quốc và ra khỏi vùng biển Việt Nam. Điều này sẽ cho phép giàn khoan được neo tại một nơi nước nông, trong khi không đòi hỏi một số lượng lớn các tàu để bảo vệ. Trung Quốc đã chọn phương án sau, ít rủi ro hơn, và thông báo rằng giàn khoan đã hoàn thành công việc của mình. 
Mặt khác, lời giải thích này làm cho ít nhất một sự kiện liên quan trở nên khó hiểu. Vào ngày 15/7, cùng ngày giàn khoan rút đi, Trung Quốc thả tất cả 13 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trong các cuộc đụng độ trong thời gian giàn khoan hạ đặt. Điều này liệu có phải cho thấy Trung Quốc nhận ra vụ việc đã đạt đến giới hạn của nó?
Tuy nhiên, điều thực sự dẫn đến sự nhượng bộ đột ngột của Trung Quốc khi hạ lệnh rút giàn khoan Hải Dương 981 bắt nguồn từ quan ngại rằng, một số bên liên quan (bao gồm cả Việt Nam và Mỹ) có thể tăng cường các hành động để đối phó Trung Quốc. Do vậy, hành động của Bắc Kinh có thể trông giống như một thỏa thuận ngầm, nhưng bản chất thực sự của nó là một cái gì đó khác.
Những “lát cắt salami” phải chăng đã quá dày?
Hành vi của Trung Quốc được giải thích hợp lý nhất nếu giải thích theo chiến lược lát cắt xúc xích salami. Đây là phương pháp mà Bắc Kinh hay vận dụng để thực hiện yêu sách bành trướng lãnh thổ và thay đổi hiện trạng trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Điểm mấu chốt của chiến lược này là tạo một sự cân bằng tinh tế giữa sự cương quyết và kiềm chế để các hành động của họ đủ để thay đổi thực trạng nhưng không đủ để tạo ra một lý do xác đáng cho các bên khác chống lại họ. Có rất nhiều lý do để nghĩ rằng sự cân bằng tinh tế này đã đạt đến giới hạn của nó. Bão Rammasun đã cho Trung Quốc một cơ hội tốt để xoa dịu căng thẳng mà không bị mất mặt.
Việc hạ đặt Hải Dương 981 được đặt vào đặc khu kinh tế của Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột lớn nhất ở Đông Nam Á kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Với việc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn một cách hung hăng và kéo dài, nhận thức của thế giới về Trung Quốc đã thay đổi theo chiều hướng xấu.
Ngày 10/7, Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua một nghị quyết lên án hành động ngang ngược của Bắc Kinh và đặt ra chính sách hỗ trợ đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một số nhà làm chính sách và học giả có ảnh hưởng lớn ở Mỹ bắt đầu kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Nhìn chung, giàn khoan Hải Dương 981 đã tiếp thêm động lực cho một số nước, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Australia, Ấn Độ và Việt Nam, trong việc điều chỉnh chính sách quân sự và chính sách đối ngoại của họ chống lại sự hung hăng của Trung Quốc. Nhìn thấy xu hướng này, Trung Quốc chắc chắn phải cảm thấy rằng hành động hung hăng của nó đã gây ra đủ tổn hại cho chiến lược và uy tín của mình.
 ... họ quyết định rút giàn khoan Hải Dương 981?
Trung Quốc cũng có nỗi lo sợ riêng của họ
Trong nhiều năm, các đối thủ của Trung Quốc, chẳng hạn như Việt Nam và Mỹ, đã thông qua một chính sách kiềm chế vì sợ khiêu khích con rồng Trung Quốc. Họ đã tạo ra một mức trần để hạn chế những gì họ cho là có thể cho phép trong việc đối phó với thế lực đang lên này. Trung Quốc, về phần mình đã khéo léo khai thác nỗi sợ hãi này với chiến thuật lát cắt salami của mình. Những lát cắt salami hữu dụng miễn là đối phương thiếu quyết tâm để thoát khỏi sự kiềm chế của họ, mà ở đây là nỗi sợ căng thẳng leo thang. Sự thành công của chiến lược này được xác định dựa vào một thủ thuật: nếu bạn có thể làm cho đối thủ đơn phương kiềm chế, bạn có thể giành chiến thắng mà không chiến đấu. Vì vậy, cách phản đòn là rất rõ ràng: bạn phải cho đối thủ thấy rằng kiềm chế không thể chỉ là đơn phương.
Việc di chuyển giàn khoan của Trung Quốc là kết quả của một quá trình lâu dài trong chiến lược cắt xúc-xích. Nhưng nó cũng tạo cơ hội cho đối thủ của Trung Quốc phá vỡ mức trần hạn chế hành động của họ. Kết quả của vụ việc lần này cho thấy rằng Trung Quốc cũng không khác nhiều so với các bên còn lại. Đó là chính họ cũng có nỗi sợ hãi căng thẳng leo thang của riêng mình.
Quang Nguyên

Bình luận(0)