“Cú sốc bất thường” của thế giới

Google News

(Kiến Thức) -  Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), với sự tham dự của khoảng 2.600 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, có nhiệm vụ là đối phó với "cú sốc bất thường" của thế giới.


 Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde

Hy vọng tìm được tiếng nói chung

WEF 2013 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới vừa trải qua nhiều biến động trong năm 2012. Về chính trị, bất ổn chính trị và bạo lực tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi diễn biến phức tạp. Về kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa có nhiều dấu hiệu tìm ra lối thoát; nước Mỹ dù tạm thời vượt qua "vách đá tài chính" nhưng các vấn đề nợ và thâm hụt tài chính dài hạn vẫn là thách thức lớn; các cuộc tranh luận tại vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu vẫn còn bế tắc; Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) chưa đạt được tiến bộ đáng kể trong năm 2012. 

Bước sang năm 2013, thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo của WEF, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng nới rộng đang là rủi ro mang tính toàn cầu chủ yếu trong vòng 10 năm tới. Trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình WEF năm 2013, chuyên gia kinh tế Đức, ông Klaus Schwab đã phải thốt lên: "Chúng ta sẽ không thể hợp tác được với nhau để giải quyết các vấn đề toàn cầu nếu ai cũng chỉ muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình". 

Theo ông, toàn thế giới đang phải đối mặt với "cú sốc bất thường" và tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài. Chính vì vậy, ông Klaus Schwab đã đề nghị chọn một chủ đề rất ngắn gọn và nhiều ý nghĩa cho WEF năm 2013 là "Năng động để thích ứng", với hy vọng có thể tìm được tiếng nói chung và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia có trách nhiệm nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Vì một tương lai cho tất cả các quốc gia

Theo chương trình Hội nghị, vấn đề kinh tế toàn cầu, những căng thẳng địa - chính trị và các sáng kiến, giải pháp sẽ là những chủ đề được đưa ra bàn thảo tại WEF 2013. Trong đó, chủ đề hàng đầu vẫn là làm sao cho hệ thống kinh tế toàn cầu có thể thích ứng với môi trường thay đổi sau những cú sốc bất ngờ khi các nước khu vực Eurozone chưa thoát khỏi nợ công. Những cải cách tại Eurozone, nhất là việc nâng cao năng lực cạnh tranh của EU, cũng sẽ được đề cập tới. WEF 2013 cũng sẽ đề xuất những định hướng nhằm giúp EU khôi phục khả năng cạnh tranh. 

WEF 2013 cũng sẽ bàn về  tương lai của nước Nga tại một phiên họp toàn thể trong bối cảnh đất nước rộng lớn nhất thế giới này vừa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tháng 8/2012, đặc biệt là năm 2013 Nga đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G-20 và năm 2014 sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch G-8. Nga sẽ trình bày báo cáo liên quan đến các kịch bản về sự phát triển của Nga từ nay đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh những ưu tiên phát triển của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào năng lượng này. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ chủ trì phiên họp toàn thể này. 

Một số chủ đề khác cũng được lưu tâm tại WEF 2013 là khôi phục nền kinh tế Nhật Bản hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng già hóa dân số; các biện pháp giảm thiểu rủi ro đối với các nhà đầu tư vào châu Phi, đánh giá về thành quả của sáng kiến "Phát triển châu Phi" được đưa ra năm 2011 nhằm mục đích đảm bảo một cách bền vững an ninh lương thực tại châu lục này. 

Với sự tham gia đông đảo của giới lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách, WEF 2013 sẽ có những đóng góp mang tính định hướng và có thể khơi dậy sự hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu hiện nay. Với chủ đề "Năng động để thích ứng", WEF 2013 gửi đi một thông điệp rõ ràng là, tương lai toàn cầu phụ thuộc vào sự năng động kết hợp với một tầm nhìn mới, hành động đầy tâm huyết và quyết tâm của cả thế giới vì một tương lai cho tất cả các quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:


Hương Ly

Bình luận(0)