Chính sách đối ngoại mới của Nga

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Ngoại giao Liên bang Nga vừa công bố những nội dung cơ bản về Chính sách đối ngoại mới của Nga trong nhiệm kỳ 3 của Tổng thống Nga V. Putin. 

Tổng thống Nga V. Putin.                                                          Ảnh: RIA Novosti 

Trong việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới, Liên bang Nga chủ trương duy trì quy chế của 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và tiếp tục nâng cao hoạt động của cơ quan quan trọng này.

Moscow chủ trương thực hiện chính sách hướng tới thành lập một hệ thống quan hệ quốc tế ổn định, vững chắc dựa trên cơ sở nền tảng của luật pháp quốc tế và các nguyên tắc bình đẳng, cùng tôn trọng nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ, bảo đảm an ninh vững chắc và ngang nhau của tất cả các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, thông tin, nhân văn...

Nga cho rằng, Liên Hợp Quốc vẫn phải giữ vai trò trọng tâm trong việc giải quyết và điều hòa các quan hệ quốc tế cũng như phối hợp chính sách của các nước trên thế giới trong thế kỷ XXI. Do đó, Nga ủng hộ các nỗ lực nhằm củng cố vai trò trung tâm và phối hợp của Liên Hợp Quốc, chống lại mọi mưu toan đang muốn làm giảm hoặc thay thế vai trò của Liên Hợp Quốc bằng các tổ chức khác. 

Về quan điểm phát triển, Nga coi trọng sự phát triển bền vững và có kiểm soát trên thế giới, nhất quán phát triển quan hệ với G-20, nhóm BRICS, G-8 và Tổ chức hợp tác Thượng Hải, ASEAN... đồng thời ưu tiên hàng đầu việc sử dụng các biện pháp chính trị - ngoại giao, pháp luật, quân sự, kinh tế, tài chính và những công cụ khác để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và bảo đảm các lợi ích đối ngoại của mình.

Về các hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại, Liên bang Nga coi trọng phát triển quan hệ hợp tác các nước thành viên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Nga sẽ tập trung củng cố và tăng cường hơn nữa vai trò của SNG trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng và có tính đến lợi ích của nhau. Nga ủng hộ và coi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể là hệ thống hiện đại nhằm bảo đảm an ninh trong không gian hậu Xô viết.

Moscow coi nhiệm vụ ưu tiên là thành lập Liên minh kinh tế Âu - Á và coi liên minh này là cầu nối giữa châu Âu với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là đề án hợp tác tự nhiên trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và khu vực hóa, toàn toàn không có gì giống với cái  gọi là "tham vọng quay trở lại thời kỳ Xô viết" mà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nhận xét. Một nhiệm vụ ưu tiên khác có tầm quan trọng to lớn là bảo vệ cộng đồng người Nga tại SNG và nước ngoài. 

Trong quan hệ với các nước châu Âu. Là quốc gia nằm trên cả châu Âu và châu Á, Nga ủng hộ và chủ trương duy trì đối thoại chính trị tích cực và cùng có lợi với Liên minh châu Âu (EU), phấn đấu để thành lập không gian kinh tế và nhân đạo thống nhất từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.  

Trong quan hệ với các nước châu Á, Nga quan tâm và tham gia tích cực các quá trình liên kết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sử dụng các khả năng của khu vực để thực hiện chương trình phát triển kinh tế Siberia - Viễn Đông, phấn đấu và góp phần hình thành một cơ cấu an ninh và hợp tác bình đẳng tại khu vực này. Tuy nhiên, Nga lo ngại trước việc các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng cường tiềm lực quân sự, làm cho tình hình căng thẳng dễ bùng nổ và nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt. Nga ủng hộ giải pháp chính trị - ngoại giao cho tất cả những vấn đề tranh chấp trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc pháp luật quốc tế, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Trong quan hệ với các nước Trung Đông - Bắc Phi, Nga nỗ lực phấn đấu để đạt hòa bình và hòa giải tại tất cả các nước ở khu vực này trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Mát-xcơ-va ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh với Israel. 

Trong quan hệ với các nước Tây Á và Nam Á, Liên bang Nga tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Iran, cùng với Liên Hợp Quốc, SNG, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thế, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và NATO phấn đấu cho giải pháp chính trị tại Afghanistan. 

Hương Ly

Bình luận(0)