Chính sách đối ngoại ích kỷ của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi Mỹ đang mất dần cả phương tiện lẫn ý chí để thể hiện sức mạnh toàn cầu, Trung Quốc ráo riết tìm cách lấp đầy khoảng trống.

 Ảnh minh họa.

Xu thế này đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả khu vực Trung Á rộng lớn - nơi Bắc Kinh đang đổ hàng tỷ USD để cách mạng hóa cơ sở hạ tầng và tạo dựng liên minh khu vực.

Phân tích chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là tương đối đơn giản, bởi vì Trung Quốc không hề giấu giếm nguyên tắc hoạt động tư lợi, ích kỷ.

Trung Quốc ve vãn Israel là một đối tác trong việc phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải, nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng làm ăn với kẻ thù của Israel là Iran, bán vũ khí cho nước này để rồi số vũ khí đó được cung cấp cho Hezbollah.

Tại Nam Á, Trung Quốc đã bất cần đạo lý khi giúp Pakistan thách thức vai trò khu vực của Ấn Độ. Đồng thời, báo chí nhà nước Trung Quốc cũng cảnh báo Islamabat rằng Bắc Kinh có thể “can thiệp quân sự” ở Nam Á,  nếu chiến binh thánh chiến xuất phát từ Pakistan tiếp tục xâm nhập khu vực của người Hồi giáo ở miền Tây Trung Quốc.

Ở phía Đông, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông và đe dọa tất cả các quốc gia nhỏ hơn dám phản đối đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng hậu thuẫn Triều Tiên vì không thích viễn cảnh của một bán đảo Triều Tiên thống nhất thân Mỹ trên ngưỡng cửa của nước này. Trung Quốc cũng đã cắm rễ quân sự và thương mại ở các nước xa xôi như Sri Lanka, Nepal và Maldives. Ngay cả khi chính phủ Sudan tàn sát dân thường ở Darfur, các công ty năng lượng Trung Quốc vẫn ráo riết làm ăn với Khartoum.

Những tham vọng chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang phát triển theo nhiều hướng nguy hiểm. Học giả Christina Lin của Đại học John Hopkins lập luận: “Thật là nghịch lý, trong khi Mỹ ‘xoay trục’ về phía Đông để kiềm chế Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì Trung Quốc lại xoay vòng về phía Tây trên con đường tơ lụa mới ở khắp Trung Đông rộng lớn”.

Khác với Mỹ và các đồng minh NATO, Trung Quốc không muốn đưa binh sĩ của mình “tuần tra hứng đạn” ở thủ đô Kabul và thành phố Kandahar. Cũng giống như ở châu Phi, các hoạt động của Trung Quốc ở Trung Á và Trung Đông là kinh doanh trục lợi một cách  tàn nhẫn nhằm bóc lột khoáng sản của Afghanistan và tăng cường lợi ích quốc gia của nước này.

Theo học giả Christina Lin, những lợi ích của Trung Quốc ở Trung Á và Trung Đông bao gồm: (1) bảo đảm an toàn cho các tuyến đường vận chuyển dầu khí và qua đó, Trung Quốc có thể đảm bảo an ninh năng lượng, ngay cả trong trường hợp các tuyến đường cung cấp ven biển bị phong tỏa hoặc gián đoạn; (2) tạo ra một bức trường thành chống lại sự xâm nhập của những phần tử khủng bố từ Pakistan và các nước Hồi giáo láng giềng vào miền Tây Trung Quốc và (3) ổn định khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, vốn chiếm 1/6 lãnh thổ Trung Quốc và thường xuyên xảy ra bạo động Hồi giáo.

Trong tâm kế hoạch của Trung Quốc ở Trung Á và Trung Đông là các tuyến đường ống, đường bộ, đường sắt và lưới điện…nối liền khu vực duyên hải phía Đông qua miền Tây Trung Quốc với Trung Á và thậm chí với Địa Trung Hải. Các dự án này sẽ giúp cho nhiều quốc gia không giáp biển như Afghanistan hưởng lợi. Đồng thời, chúng cũng giúp Iran, một đối tác toàn diện của Trung Quốc trong các dự án khổng lồ này. Việc Trung Quốc mời Iran tham gia các dự án khổng lồ này lại khiến phương Tây vô cùng lo ngại vì nó sẽ hoàn toàn vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt Tehran của cộng đồng quốc tế.

Hầu hết người Mỹ và Canada đều ủng hộ ý tưởng rút quân khỏi Afghanistan và “để cho người Afghanistan tự quản lý đất nước của họ”. Nhưng trên thực tế, các chính phủ phương Tây lại không thể làm điều đó.

Trong “ván bài lớn” mới, cũng như trong tất cả các đấu trường thực tế, tình trạng chân không quyền lực sẽ không kéo dài bao lâu. Ngay sau khi phương Tây rút đi, Trung Quốc - với tiền bạc rủng rỉnh - sẽ tìm cách biến toàn bộ khu vực Trung Á-Trung Đông thành một nguồn cung năng lượng cho khu vực bờ biển phía Đông “đói” năng lượng và phát triển mạnh mẽ.

Đó chính là cách thức kinh doanh thực dụng, vị kỷ của Trung Quốc. Về lâu dài, cách tiếp cận phi đạo lý này sẽ trở thành một vấn đề toàn cầu và là mối đe dọa lớn nhất đối với các nước còn lại trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo Reuters)

Bình luận(0)