Chiến tranh hạt nhân khó xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Nhà phân tích Gevorg Mirzayan giải thích lý do vì sao chiến tranh nhân khó xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên trong tương lai, bất chấp "yếu tố Trump".

Những động thái hăm dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên trong những ngày gần đây dẫn đến suy đoán rằng hai bên đang ở trên bờ vực xung đột vũ trang.
Chien tranh hat nhan kho xay ra tren Ban dao Trieu Tien?
Chiến tranh hạt nhân khó xảy ra ở Bán đảo Triều Tiên vì các bên hữu quan đều am hiểu luật chơi. Ảnh: Oriental Review 
Thế nhưng nhà phân tích chính trị Gevorg Mirzayan lại cho rằng chiến tranh hạt nhân khó xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Mirzayan giải thích: "Cuộc xung đột liên quan đến Bắc Triều Tiên là độc nhất: mức độ đe dọa cao, nhưng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thực sự lại khá thấp. Tất cả các bên liên quan đều hiểu rõ luật chơi và xem ra đều không muốn vượt qua ‘vạch đỏ’. Các bên đã tiếp cận vạch đỏ, buôn bán các mối đe dọa và sau đó rút lui một cách cẩn thận”.
Am hiểu luật chơi
Theo nhà phân tích chính trị Mirzayan, không một cường quốc nào can dự vào vấn đề Triều Tiên sẵn sàng thực hiện tấn công phủ đầu, bất chấp những lời hùng biện.
Ông Mirzayan lý giải: "Ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiểu rằng bất cứ cuộc chiến nào trên bán đảo Triều Tiên đều sẽ chấm dứt ở Bình Nhưỡng và họ sẽ phải nói lời tạm biệt với cuộc sống tốt đẹp. Về phần mình, người Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hiểu rằng cái giá phải trả để lật đổ chế độ ở Bình Nhưỡng sẽ rất cao".
Một cuộc tấn công Triều Tiên sẽ dẫn đến chiến tranh “hao người, tốn của” và ô nhiễm hạt nhân. Nhưng cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ hai còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc sẽ bị phá hủy vì chỉ cách giới tuyến quân sự chưa đầy 50 km.
Một vấn đề khác là chi phí kinh tế cho việc thống nhất bán đảo Triều Tiên, bất kể bằng phương tiên hòa bình hay chiến tranh, được ước tính là rất cao. Ngoài ra, không ai có thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không tham chiến tranh để bảo vệ Bình Nhưỡng giống như đã làm trong quá khứ.
Ông Mirzayan nói tiếp: "Một cuộc ‘tấn công phẫu thuật’ vào các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng không phải là một sự lựa chọn. Các cơ sở này nằm sâu dưới đất và được bảo vệ rất tốt. Nếu các hầm trú ẩn hạt nhân của Bắc Triều Tiên bị tấn công, Bình Nhưỡng sẽ coi đây là hành động xâm lược và sẽ phản ứng bằng một đợt tấn công trả đũa khổng lồ. Cũng có thể coi cuộc tấn công như là một cái tát vào mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un và ông ấy sẽ giáng trả thích đáng, dẫn đến phản ứng từ phía Mỹ-Hàn Quốc và chiến tranh”.
Theo nhà phân tích Mirzayan, cân nhắc này chính là lý do chính khiến các nhà hoạch định chính sách ở Washington không dám tiến hành một chiến dịch chống Bắc Triều Tiên, bất chấp việc đã xảy ra rất nhiều cuộc khủng hoảng trên bán đảo này.
“Yếu tố Trump”
Một số người cho rằng mô hình này đã lỗi thời do phong cách và chính sách ngoại giao của Donald Trump. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như dị ứng với việc “duy trì nguyên trạng” và sẵn sàng hành động một cách quyết liệt ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà phân tích chính trị Mirzayan, ông Trump đã theo đuổi một kế hoạch liều lĩnh nhưng là một chiến lược chính sách đối ngoại toàn diện.
Ông Mirzayan nhận xét: "(Tổng thống) Trump đã cố ý khai thác hình ảnh của mình, cho thấy rằng ông đã sẵn sàng vượt qua vạch đỏ. Điều này đã được thực hiện để gây sức ép với Trung Quốc, đặc biệt trong nỗ lực buộc Bắc Kinh phải làm cho Bắc Triều Tiên mềm mỏng hơn”.
Cách tiếp cận này đã tỏ ra hữu hiệu với một mức độ nhất định. Hồi tháng 2/2017, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên, trong khi Air China - một trong những hãng hàng không lớn của Trung Quốc – đã tạm thời đình chỉ các chuyến bay tới Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những động thái này không có tác động rõ ràng đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người gần đây đã ra lệnh tăng cường các cuộc thử tên lửa.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng đã cho thấy Triều Tiên chỉ đã sẵn sàng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, điều mà Washington nói là không thể chấp nhận. Lầu Năm Góc được cho là đã quyết định tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên, nếu biết chắc Bình Nhưỡng sẽ thực hiện chương trình hạt nhân-tên lửa.
Nhà phân tích Mirzayan bình luận: "(Tổng thống Mỹ) Trump có vẻ như bị mắc kẹt. Ông ta đang tìm cách rút lui. Theo đề nghị của Trung Quốc và Hàn Quốc yêu cầu Washington tỏ ra kiềm chế. chính quyền Mỹ quyết định không tấn công phủ đầu (chống Triều Tiên) . Có tin nói, các biện pháp ngăn chặn mới sẽ được công bố trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiều khả năng, các biện pháp này sẽ bao gồm các trò chơi chiến tranh mới và tăng cường hợp tác quân sự với Seoul và Tokyo. Kiềm tỏa CHDCND Triều Tiên, nhưng cũng có thể cả Trung Quốc, có thể là mục tiêu cuối cùng của chính quyền Trump, sau đợt leo thang gần đây nhất ".
Minh Châu (Theo Sputnik News)

>> xem thêm

Bình luận(0)