Chiến dịch của Mỹ ở Mosul bước vào “lối rẽ nguy hiểm”

Google News

(Kiến Thức) - Chiến dịch của Mỹ ở Mosul bước vào “lối rẽ nguy hiểm” bởi vì nó có thể dẫn đến bất cứ điều gì nhưng không phải chiến thắng cuối cùng cho Iraq.

Đó là nhận định của nhà báo hành nghề tự do Salman Rafi Sheikh, một nhà phân tích về quan hệ quốc tế và các vấn đề Pakistan.
Theo nhà báo Salman Rafi Sheikh, "giải phóng" Mosul từ tay phiến quân IS sẽ châm ngòi các xung đột mới do mâu thuẫn sâu sắc giữa các bên về lợi ích kinh tế, bên cạnh mâu thuẫn lâu đời về sắc tộc và giáo phái trong thành phố này.
Chien dich cua My o Mosul buoc vao “loi re nguy hiem”
Phiến quân IS đốt các giếng dầu gần thành phố Mosul để cản đường các lực lượng Iraq. Ảnh ABC News 
Chiến dịch của Mỹ ở Mosul mà chính quyền Obama vốn coi là “một cuộc dạo chơi” giờ đây đã trở thành một chiến dịch “đặc biệt nguy hiểm”.
Đại tá John Dorrian, phát ngôn viên của Liên minh chống IS ở Mosul, cho biết chiến dịch giải phóng thành phố lớn thứ hai của Iraq này đã “chững lại” và sẽ còn “mất nhiều thời gian”.
Theo Tư lệnh lực lượng liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu - tướng Stephen Townsend, chiến dịch giải phóng hoàn toàn thành phố Mosul từ tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo sẽ còn kéo dài thêm 6 tháng nữa.
Tuy nhiên, một chiến thắng hoàn toàn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo là rất xa vời và Mosul là một bằng chứng nữa sau Syria, nơi các lực lượng liên minh không thể đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo những báo cáo gần đây nhất, giao tranh đã chấm dứt ở nhiều nơi ở phía đông thành phố Mosul chủ yếu là do các lực lượng nòng cốt của phiến quân IS đã chuyển đến phía tây thành phố và các thành phố khác ở Iraq như thủ đô Baghdad hoặc đơn giản là "hòa tan” trong dân chúng - nạn nhân lớn nhất của chiến dịch giải phóng Mosul.
Cần lưu ý rằng Washington đã tiến hành cuộc chiến chống IS thông qua việc dùng "người bản địa" làm lực lượng chủ công và qua đó đã làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực.
Nếu cuộc chiến này lan rộng, Iraq sẽ lại một lần nữa phải đối mặt với những tình huống mà nước này đã phải đối mặt sau khi các lực lượng Mỹ rút đi trong năm 2008-2009. Đó là những tình huống đã khiến cho ISIS trỗi dậy mạnh mẽ và tiến tới thành lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo trên những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
Về kinh tế, Mosul là một trung tâm sản xuất dầu lớn của Iraq và là một trong những nguồn thu lớn nhất của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Thành phố này nằm trên con sông lớn nhất Trung Đông, sông Tigris. Nhà máy thủy điện lớn nhất ở Iraq cũng nằm trên dòng sông này và cách thành phố Mosul 60 cây số.
Vì vậy, việc kiểm soát được các nguồn tài nguyên của thành phố Mosul đồng nghĩa với việc có trong tay một đòn bẩy chính trị đối với chính quyền ở Baghdad và xa hơn nữa. Do đó, vấn đề bên nào sẽ thay thế nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo nắm quyền kiểm soát thành phố Mosul đang trở nên cấp bách và có khả năng dẫn đến một cuộc xung đột khác vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ ở Baghdad.
Do đó, một câu hỏi nữa được đặt ra là liệu các lực lượng do Mỹ dẫn đầu có thể ngăn cản được cuộc xung đột lợi ích không thể nào tránh khỏi ở Mosul hay họ sẽ lợi dụng nguy cơ xung đột này để kéo dài sự hiện diện của họ ở thành phố chiến lược này và trong khu vực?
Ngay cả khi đánh đuổi hoàn toàn phiến quân IS Mosul, hòa bình trong thành phố lớn thứ hai của Iraq này có thể không ngay lập tức được lập lại, nếu mâu thuẫn về lợi ích kinh tế của lực lượng tham chiến không được giải quyết ổn thỏa.
Nếu không giải quyết được các vấn đề đã gây ra chia rẽ sâu sắc trong xã hội, rất có thể đất nước Iraq một lần nữa lại rơi vào “vũng bùn xung đột nội bộ” và tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố tương tự như Nhà nước Hồi giáo một lần nữa ngóc đầu dậy.
Minh Châu (Theo Asia Times)

>> xem thêm

Bình luận(0)