Châu Á sắp có 170 triệu đàn ông… ế vợ

Google News

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, châu Á sắp có 170 triệu đàn ông ế vợ và điều này dẫn đến hậu quả chính trị-xã hội vô cùng nghiêm trọng.

 Việc 170 triệu đàn ông ế vợ ở châu Á sẽ gây ra hậu quả xã hội-chính trị nghiêm trọng.

Trong 25 năm qua, châu Á ngày càng có thêm nhiều bé trai và tình trạng thiếu cô dâu đã xuất hiện ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới.

Sau khi xuất hiện công nghệ siêu âm cho phép biết trước giới tính thai nhi, các bậc cha mẹ thường tự quyết định để lại đứa trẻ mà họ cần. Và họ thường muốn có con trai. Ở phương Đông, con trai là người thừa kế, là người lo liệu cho tuổi già và thờ cúng cha mẹ sau khi chết. Con gái chỉ đòi hỏi bố mẹ phải cho của hồi môn, làm lễ cưới và kết quả là trở thành con cái phục vụ cho gia đình nhà chồng.

Hiện tượng giết chết trẻ sơ sinh là con gái khá phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ và đặt ra câu hỏi: Cuộc sống của cánh đàn ông không thể lập gia đình ở quê hương sẽ như thế nào?

Với việc thiếu cô dâu, ở các nước đó đang xuất hiện các hiện tượng buôn bán tình dục, bạo lực và những tội phạm khác. Chuyên viên Igor Beloborodov, Giám đốc Viện nghiên cứu nhân khẩu học Nga, nhận định: “Đó là sự lan tràn của đồng tính luyến ái, hiện tượng nô dịch gia tăng. Hãm hiếp phụ nữ là hiện tượng rất phổ biến ở nhiều tỉnh của Trung Quốc và các nước châu Á khác. Đó là chưa kể buôn bán phụ nữ, biến phụ nữ thành thứ hàng hóa và xuất hiện thị trường nô dịch. Hiện tượng sớm kết hôn đang gia tăng: các cô gái không còn được tiếp tục học tập và phát triển. Ở Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng và một số khu vực khác đã xảy ra ‘hiện tượng đa phu’. Đó là một cô gái bị biến thành vợ của nhiều anh em trong gia đình”.

Sự chênh lệch trong tỷ lệ sinh đẻ trai-gái tác động trực tiếp đến thị trường hôn nhân. Ví dụ, ở Trung Quốc, nhiều khi không phải người đàn ông trẻ chọn cô dâu mà ngược lại - cô gái chọn người chồng tương lai. Ngày càng phổ biến hiện tượng những người đàn ông trẻ mua vợ ở các nước láng giềng. Các chàng trai thuộc các nhóm xã hội thấp hơn sẽ phải kết hôn muộn hơn, chỉ sau khi tiết kiệm đủ tiền lấy vợ. Điều này cũng tác động đến tình hình nhân khẩu học.

Hàng triệu đàn ông độc thân chính là nguy cơ đe dọa an ninh xã hội và cũng là hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính. Theo các nhà xã hội học, đến năm 2020 ở Trung Quốc sẽ có hơn 24 triệu người đàn ông ở độ tuổi từ 20 đến 40 bị ế vợ. Do đó, không có khả năng sinh con "nối dõi tông đường".

Chuyên viên về nhân khẩu học, tiến sĩ Irina Kolobukhina, cho rằng lệnh cấm siêu âm để xác định giới tính và phá thai không thể giải quyết vấn đề. Nhiều nước đang thi hành lệnh cấm như vậy, nhưng người ta vẫn tìm cách lẩn tránh. Cần phải thay đổi quan niệm và tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Nhà nước nên tổ chức những chiến dịch xã hội, bài trừ quan niệm cổ hủ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, sinh con gái là vô giá trị.

Tính trung bình phạm vi toàn cầu, theo số liệu của CIA, vào năm 2011 trên thế giới cứ 1.000 phụ nữ thì có 984 nam giới.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:







Theo VOR

Bình luận(0)