Căng thẳng Indonesia-Trung Quốc: Có chỉ vì một tàu cá?

Google News

(Kiến Thức) - Nhà ngoại giao Ernesto Simanungkalit viết trên báo Kompas ở Jakarta rằng sự tham lam vô độ của Bắc Kinh ở Biển Đông phá hỏng mối quan hệ hữu hảo Indonesia-Trung Quốc.

Theo ông Ernesto Simanungkalit, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có nguy cơ gây tổn hại cho dự án con đường tơ lụa trên biển do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Cang thang Indonesia-Trung Quoc: Co chi vi mot tau ca?
 Xuồng cao su tuần tra của Hải quân Indonesia đối đầu với tàu Hải cảnh Trung Quốc gần đảo Natuna. Ảnh KKP
Trong bài “Căng thẳng Indonesia-Trung Quốc xung quanh một tàu cá”, báo Pháp Courrier International nhắc lại vụ việc chiếc tàu đánh cá mang số hiệu Kway Fey 10078, được hai tàu Hải cảnh Trung Quốc hộ tống đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia, ngoài khơi đảo Natuna. Điều bất thường là hai tàu Hải cảnh Trung Quốc đã dùng vũ lực và các hành động hăm dọa để ngăn chặn tàu tuần duyên Indonesia bắt tàu đánh cá trái phép theo như quy định của luật pháp nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã biện minh cho những hành động trên khi khẳng định chiếc tàu đánh cá Trung Quốc chỉ thực hiện các “hoạt động bình thường” trong “những vùng đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”. Thế nhưng, theo quan điểm của ông Simanungkalit, những lời biện minh này của Bắc Kinh cho đó là “những vùng đánh bắt truyền thống” là sai và nguy hiểm.
“Sai” là vì Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, mà Trung Quốc cũng tham gia ký kết, không có sử dụng thuật ngữ “vùng đánh bắt truyền thống” mà là “quyền đánh bắt truyền thống” cấp cho một quốc gia nào đó, trong vùng lãnh hải của một đảo quốc lân cận. Đây cũng là quyền mà Jakarta đã cấp cho Kuala-Lumpur theo một thỏa thuận song phương.
“Nguy hiểm” là vì Trung Quốc tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm ở bất cứ những nơi nào mà họ cho là có mối liên hệ lịch sử và truyền thống. Nếu nói vậy, chẳng lẽ tất cả các cảng biển của Indonesia đều sẽ là của Trung Quốc? Bởi vì vào thế kỷ 14, Trịnh Hòa (Zheng He) - vị đô đốc Trung Quốc theo đạo Hồi nổi tiếng- đã từng đi qua những nơi này để đến tận Châu Phi.
Theo nhà ngoại giao Simanungkalit, việc tàu Hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu đánh cá để đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải nước khác là một hành động “vi phạm quyền quốc tế”. Ông còn chỉ trích thái độ hăm dọa của phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Jakarta là thiếu tính xây dựng, khi đòi hỏi Indonesia phải xử lý vụ việc “một cách khôn khéo” và phải “để ý đến mối quan hệ song phương Trung Quốc – Indonesia”.
Ernesto Simanungkalit viết, Trung Quốc phải hiểu rằng cuộc chiến chống đánh bắt trái phép cũng là một phần của dự án “ngã tư hàng hải thế giới” do tổng thống Joko Widodo đưa ra ngay từ khi nhậm chức năm 2014. Dự án này sẽ phải được kết hợp đồng điệu với “con đường tơ lụa trên biển” của ông Tập Cận Bình. Bởi vì phần phía nam của con đường này phải đi ngang qua vùng lãnh hải của Indonesia.
Chính vì điều này, Bắc Kinh chỉ có lợi khi duy trì một mối quan hệ tốt với Jakarta. Và cũng đừng quên rằng Indonesia hiện đang kiểm soát những eo biển quan trọng cho lưu thông hàng hải thế giới, mà sự an toàn và thịnh vượng của Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào điều đó.
Câu hỏi đặt ra, vì sao Trung Quốc sẵn sàng hy sinh cả tiếng tăm lẫn mối quan hệ hữu hảo cá nhân giữa ông Widodo với ông Tập Cận Bình cho một đòi hỏi hoàn toàn không có cơ sở? Phải chăng đã đến lúc nên kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển? Và với tư cách là thành viên ký kết UNCLOS, liệu Indonesia có đủ can đảm để làm điều đó hay không?
Video Argentina bắn chìm tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá trái phép. (Nguồn BBC):
Minh Châu (Theo Courrier International)

Bình luận(0)